Điểm nghẽn giải phóng mặt bằng ở nhiều dự án trọng điểm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2023, hàng loạt dự án trọng điểm, đặc biệt là lĩnh vực hạ tầng giao thông được triển khai nhằm tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ghi nhận từ nhiều nhà thầu cho thấy, giải phóng mặt bằng đang là một trong những điểm nghẽn lớn của đại đa số dự án giao thông quan trọng.
Nhiều dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ có một phần nguyên nhân do giải phóng mặt bằng một số đoạn tuyến quan trọng gặp khó . Ảnh: Lê Tiên
Nhiều dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ có một phần nguyên nhân do giải phóng mặt bằng một số đoạn tuyến quan trọng gặp khó . Ảnh: Lê Tiên

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, thời gian qua, mặc dù các địa phương đã nỗ lực, Bộ cũng liên tục đôn đốc công tác GPMB, nhưng mặt bằng bàn giao còn chưa liên tục, vẫn vướng một số vị trí tiếp cận thi công, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các nhà thầu triển khai các dự án cao tốc, nhà ga cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng hàng không quốc tế Long Thành… Hiện nay, tại các dự án đang chuẩn bị khởi công như đường vành đai 3 TP.HCM, đường vành đai 4 Hà Nội…, công tác GPMB đang được tích cực triển khai nhưng vẫn chậm, nếu không đẩy nhanh thì tiến độ dự án sẽ không đáp ứng yêu cầu.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho biết, mặt bằng đang là “điểm nghẽn” của nhiều công trình giao thông lớn hiện nay. Thực tế thi công của Tập đoàn Đèo Cả tại nhiều đoạn tuyến cao tốc của Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025); Đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn Cát Tiến - Diêm Vân; Đường tỉnh 208 ở tỉnh Cao Bằng; đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 (cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020)… cho thấy, công tác GPMB thường bị chậm, gây áp lực tiến độ cho nhà thầu.

Ở các công trình trọng điểm này, mốc hoàn thành toàn tuyến đã “chốt” nên chậm bàn giao GPMB ngày nào thì nhà thầu phải bù tiến độ, rút ngắn thời gian thi công ngày đó, điều này cũng sẽ tiềm ẩn những rủi ro nhất định đối với nhà thầu và chất lượng công trình. Các địa phương thường thực hiện GPMB tổng thể mà chưa có sự ưu tiên đối với một số vị trí chiến lược thi công như hầm, trụ… của công trình. Do đó, thực tế đã xảy ra tình trạng bàn giao mặt bằng nhưng Nhà thầu không triển khai thi công được vì các vị trí đường găng bị vướng. Đơn cử tại cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong qua Phú Yên, nhiều vị trí tiếp cận thi công bị vướng mồ mả và các công trình kỹ thuật chưa di chuyển. Mặt khác, việc triển khai dự án tái định cư cũng bị chậm, nên người dân trong diện GPMB chưa dời đi và bàn giao mặt bằng.

Công tác giải phóng mặt bằng chậm gây áp lực khiến nhà thầu phải bù tiến độ, rút ngắn thời gian thi công. Ảnh: Lê Tiên

Công tác giải phóng mặt bằng chậm gây áp lực khiến nhà thầu phải bù tiến độ, rút ngắn thời gian thi công. Ảnh: Lê Tiên

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam cho biết, trên báo cáo, tiến độ GPMB của các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 80%, nhưng thực tế bàn giao cho nhà thầu mới đạt khoảng 50% (phần mặt bằng còn lại chưa bàn giao đang trong giai đoạn kiểm đếm). Hiện nay, Nhà thầu đang chậm tiến độ tại cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh do vướng mắc trong GPMB. Đó là chưa kể đến có những phần mặt bằng bàn giao rồi nhưng không thi công được vì mặt bằng “xôi đỗ”, rất khó đưa máy móc, thiết bị vào triển khai một cách đồng bộ. Nếu không có mặt bằng sạch ở một diện tích tương đối thì Nhà thầu rất khó làm, những vị trí chưa giải phóng được đều “xương” khiến các giải pháp thi công đều bế tắc.

Các địa phương thường thực hiện GPMB tổng thể mà chưa có sự ưu tiên đối với một số vị trí chiến lược thi công như hầm, trụ… của công trình. Do đó, thực tế đã xảy ra tình trạng bàn giao mặt bằng nhưng Nhà thầu không triển khai thi công được vì các vị trí đường găng bị vướng.

Còn lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Cienco4 cho biết, thời gian qua, cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt bị chậm tiến độ có một phần nguyên nhân do GPMB một số đoạn tuyến quan trọng gặp khó, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và lãng phí nguồn nhân lực, máy móc của Nhà thầu. Một trong những bất cập trong GPMB và không nhận được sự đồng thuận của người dân, nhất là những người ở khu vực giáp ranh các địa phương, là sự khác nhau trong chính sách đền bù, mỗi địa phương có chế độ riêng và có độ “chênh lệch” nên các hộ dân trong vùng cứ kiện tụng và không chịu nhận tiền bồi thường.

Chia sẻ với phóng viên, đại diện nhiều nhà thầu cho rằng, ở mỗi dự án giao thông lớn, nên có các tổ công tác đặc biệt, luôn luôn sâu sát và có thẩm quyền xử lý nhanh chóng các vướng mắc phát sinh, chịu trách nhiệm toàn diện về đôn đốc, giám sát chặt việc GPMB. Bên cạnh đó, trong công tác GPMB, các địa phương nên lên tiến độ cụ thể và có trách nhiệm hoàn thành từng phần mặt bằng theo thời hạn, có sự phối hợp và ưu tiên những vị trí thi công trọng yếu để thực hiện GPMB trước. Chủ đầu tư, nhà thầu, địa phương và các đơn vị có liên quan phải liên tục vào cuộc để tháo gỡ khó khăn. Có như vậy, tiến độ GPMB ở các dự án lớn mới được bảo đảm và đây là tiền đề quan trọng để công trình về đích đúng hẹn.

Tin cùng chuyên mục