Ảnh minh họa: Internet |
Thay đổi bộ mặt địa phương
Để hoàn thiện hạ tầng đô thị, thời gian qua, nhiều địa phương đã tích cực đẩy mạnh thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước thông qua các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Đơn cử, trong năm 2020, tỉnh Bắc Giang tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 3 dự án PPP, loại hợp đồng BT (Dự án Đầu tư nâng cấp, cải tạo tuyến ĐT292 huyện Lạng Giang; Dự án Xây dựng một số trục đường giao thông trên địa bàn huyện Yên Dũng; Dự án Xây dựng đường vành đai thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn). Đối với dự án có sử dụng đất, địa phương này đã công bố danh mục dự án để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án.
Tính đến ngày 24/10/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang cho biết, có 92 dự án khu đô thị, khu dân cư được UBND Tỉnh phê duyệt danh mục dự án cần đầu tư nhưng chưa thực hiện xong bước lựa chọn nhà đầu tư.
Phú Thọ cũng là một trong các địa phương đẩy mạnh công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng đất. Tính từ đầu năm đến tháng 10/2021, địa phương này đã chính thức công bố danh mục dự án để lựa chọn nhà đầu tư 19 dự án khu dân cư, khu nhà ở, khu đô thị. Nhiều dự án đã có nhà đầu tư quan tâm, đăng ký thực hiện.
Theo một số nhà đầu tư, hệ thống giao thông tiện ích, đồng bộ và có tính kết nối cao là một trong những yếu tố quan trọng để nhà đầu tư đánh giá tiềm năng khi đầu tư vào các dự án ở địa phương. Ngoài ra, chính sách cởi mở trong thu hút đầu tư, thủ tục hành chính được tạo điều kiện thuận lợi… cũng là yếu tố thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân.
Nhờ có sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân vào phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhiều địa phương đã xuất hiện những đô thị quy mô lớn, khang trang hiện đại.
Thu hút đầu tư vào tăng trưởng xanh
Với sự cộng hưởng từ hạ tầng giao thông và các dự án đô thị, thương mại, đầu tư…, diện mạo của nhiều địa phương đã thay đổi nhanh chóng, kéo theo sự phát triển về kinh tế - xã hội. Thời gian gần đây, một vài địa phương còn tận dụng thu hút đầu tư tư nhân thông qua các dự án sử dụng đất để hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững hơn.
Đơn cử tại Gia Lai, thống kê cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, Tỉnh đã công bố danh mục dự án để lựa chọn nhà đầu tư 25 dự án sử dụng đất. Trong đó, Gia Lai tập trung vào một số dự án xanh, ứng dụng công nghệ cao…
Ông Lê Tiến Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Gia Lai thông tin, thời gian gần đây, lãnh đạo địa phương luôn chú trọng tăng trưởng xanh với yêu cầu kêu gọi, thu hút đầu tư vào các dự án phải bảo đảm được hai mục tiêu là vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường.
Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, Gia Lai đã thu hút 515 dự án với tổng vốn đăng ký là 832.925 tỷ đồng, trong đó, các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) chiếm số lượng khá lớn. Bên cạnh đó, Gia Lai cũng tập trung mời gọi nhà đầu tư thông qua đấu thầu các dự án sử dụng đất liên quan đến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Dự án Trồng nông sản chất lượng cao chế biến xuất khẩu; Dự án Trung tâm Sản xuất hạt giống và rau sạch ứng dụng công nghệ cao…
Trong lĩnh vực xử lý, thu gom chất thải, Gia Lai định hướng thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào dự án xử lý rác thải, tái chế từ chất thải với công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, đơn cử như Dự án Nhà máy Xử lý rác thải tại Xã Gào, TP. Pleiku, Gia Lai với diện tích 60.889,3 m2.
Để tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư vào tăng trưởng xanh trong tương lai, Trung tâm Xúc tiến đầu tư Gia Lai cho biết, địa phương sẽ tập trung chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong giám sát và đánh giá thực hiện và mức độ xanh hóa của các dự án đầu tư vào địa bàn huyện, thị xã, thành phố.
Cùng với đó, địa phương sẽ quan tâm, xác định khâu đột phá là công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thúc đẩy quy mô, thu hút nguồn lực để phát triển kinh tế địa phương.