Chi phí logistics tăng đang tạo áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên |
Đây là thông tin được các DN trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và logistics cho biết tại cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các DN được tổ chức ngày 2/3, tại Hà Nội, nhằm đánh giá tình hình, đề xuất chính sách hỗ trợ bổ sung cho DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo một đại diện DN nông nghiệp số, khi dịch bùng phát lần 3, các DN nông nghiệp số dù đã có kinh nghiệm xử lý trong các lần trước vẫn không tránh khỏi khó khăn.
Ở trong nước, khó khăn trước hết là vận chuyển lưu thông nông sản ở các tỉnh như: Hải Dương, Quảng Ninh… do địa phương quy định kiểm soát dịch Covid-19 ngặt nghèo khiến chi phí vận tải container tăng cao... Với thị trường quốc tế, tình trạng chi phí vận tải tăng 3 - 4 lần so với trước đây do thiếu container rỗng, bị ùn ứ hàng hóa, buộc nhiều DN chấp nhận mất uy tín với khách hàng.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh: “Chi phí logistics tăng từ năm 2020 đang tạo áp lực rất lớn đối với DN thủy sản khi hiện nay tất cả các chi phí đầu vào, đầu ra đều tăng”. Theo VASEP, trước đây cước phí vận chuyển là 2.000 USD/container nhưng nay đã tăng lên 9.000 - 10.000 USD/container, gây thiệt hại nặng nề cho nhà cung ứng, nhất là các DN xuất khẩu.
Chung tình trạng này, một DN sản xuất tre công nghiệp xuất khẩu sang thị trường Âu - Mỹ… ở tỉnh Hòa Bình cho biết, chi phí logistics cho đơn hàng sang Pháp tăng gấp 3 lần so với trước đó. Tương tự, chi phí logistics đơn hàng sang Mỹ, Canada… cũng tăng vọt khiến nhiều đơn hàng bị cản trở, dòng tiền chậm lại, gây khó khăn rất lớn cho DN.
Theo DN này, khi phát triển sản phẩm thì cũng phát triển nhà cung ứng phụ. Đại dịch bùng phát khiến chi phí logistics tăng cao không chỉ tác động tới DN do lượng đơn hàng bị hạn chế, mà còn tác động không nhỏ tới các nhà cung ứng phụ này.
Thừa nhận chi phí logistics tăng cao là có thật, đang tác động không nhỏ tới sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và các DN xuất khẩu, một đại diện DN lĩnh vực dịch vụ logistics cho biết, đây là tình trạng chung của thế giới do những tác động từ đại dịch Covid-19 làm chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, container rỗng không được di chuyển bổ sung hợp lý khiến giá thuê container tăng cao.
Bên cạnh chi phí logistics tăng cao, nhiều DN cho biết, đến nay, DN vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ được ban hành năm ngoái. Cùng với đó, các địa phương có những quy định khác nhau trong việc phòng, chống dịch Covid-19 cũng tác động không nhỏ tới hoạt động lưu thông hàng hóa của DN.
Trước dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các DN mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp kéo giảm chi phí logistics để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.
Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành hiện nay là cắt giảm chi phí logistics. Theo đó, DN mong muốn các chính sách thúc đẩy ngành phát triển đã ban hành cần được tích cực thực hiện, trong đó có vấn đề phát triển kết cấu hạ tầng.
Về phía VLA, ngay trong năm 2021, Hiệp hội sẽ thực hiện nhiều giải pháp để cắt giảm chi phí logistics như thành lập một đơn vị chuyên vận chuyển hàng hóa nông sản nhằm hỗ trợ các DN lĩnh vực này tháo gỡ khó khăn. Dự kiến, ngày 6/3, đơn vị này sẽ có chuyến hàng nông sản bằng đường hàng không đi Indonesia. Sắp tới sẽ mở rộng vận chuyển nông sản đi các nước khác...
Một DN logistics kiến nghị giải pháp tăng tính kết nối giữa các DN trong chuỗi cung ứng để giảm tồn kho, giảm thời gian chờ, chia sẻ nguồn lực để kéo giảm chi phí logistics.
Một số DN khác cũng kiến nghị, các địa phương cần quy định thống nhất trong hoạt động vận chuyển lưu thông hàng hóa, hạn chế dịch bệnh, tránh việc có quá nhiều quy định khác nhau làm phát sinh chi phí vận tải cho DN. Đồng thời, Chính phủ nên tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện các gói hỗ trợ DN chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong đó điều chỉnh lại đối tượng cho phù hợp; hỗ trợ DN giảm kinh phí công đoàn trong bối cảnh doanh thu gần như không có; thực hiện chính sách miễn, giãn thuế thu nhập DN…
Chia sẻ những khó khăn, thách thức mà DN đang gặp phải, tại cuộc gặp mặt, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định, Chính phủ, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cam kết tiếp tục đồng hành cùng DN, tháo gỡ khó khăn cho DN nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững. Bộ sẽ tổng hợp những kiến nghị của DN để báo cáo, đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách hiệu quả hỗ trợ DN.