Chi phí logistics cao đang ảnh hưởng không nhỏ tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên |
Chi phí cao
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét, chi phí logistics tại Việt Nam vẫn cao, bao gồm cả chi phí chính thức và không chính thức. Điều này đang ảnh hưởng không nhỏ tới sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Ví dụ, vận chuyển một container 40 feet từ TP.HCM đi Tân Thanh (Lạng Sơn), DN phải chịu chi phí 5,8 triệu đồng, nhưng nếu từ TP.HCM đi California (Mỹ) chỉ mất 200 USD (khoảng 4,6 triệu đồng) bằng đường biển.
Đồng quan điểm, ông Lê Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Kho vận Việt Nam cho biết, chi phí logistics của Việt Nam còn cao so với khu vực và thế giới. Cụ thể, mức chi phí xếp dỡ của thế giới chỉ khoảng 30 - 40 USD, nhưng ở ta hiện gần 50 USD. Chi phí vận tải hàng hóa từ cảng Hải Phòng về khu vực Hà Nội với 1 container 20 feet hiện khoảng 5 - 6 triệu đồng. Đây là mức chi phí rất cao, đắt gấp 3 lần so với vận chuyển từ Trung Quốc hay Hàn Quốc về Việt Nam.
Về câu chuyện chi phí không chính thức đối với DN logistics, ông Minh cho rằng, hiện các thủ tục hành chính đối với các DN đã đơn giản hơn trước, song chi phí không chính thức thì không giảm được bao nhiêu.
Thông tin tại Tọa đàm "Chi phí logistics cho nông sản Việt - Thách thức cạnh tranh trên thị trường quốc tế" diễn ra gần đây cho biết, chi phí logistics cho nông sản Việt Nam quá cao, chiếm tới 25% tổng giá trị hàng hóa ở một số mặt hàng, thậm chí cao hơn rất nhiều ở các công đoạn sản xuất, chế biến và kinh doanh. Đây được xem là nguyên nhân chính dẫn đến giảm sức cạnh tranh của nhiều mặt hàng nông sản chủ lực tại các thị trường tiềm năng.
Trước thực trạng này, nhiều ý kiến chuyên gia lo ngại, trong bối cảnh DN trong nước đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng với sức ép rất lớn từ hội nhập, nếu chi phí logistics không được cải thiện sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa và DN Việt.
Đâu là giải pháp cốt yếu?
Theo giới chuyên gia, chi phí logistics cao do kết cấu hạ tầng của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chủ yếu là phụ thuộc đường bộ; ứng dụng công nghệ thông tin tạo ra khả năng tối ưu hóa quãng đường và nâng cao hiệu suất vận tải hàng hóa vẫn còn hạn chế…
Dưới góc độ DN dịch vụ logistics, ông Lê Minh cho rằng, các giải pháp đưa ra để giảm chi phí logistics vẫn khá chung chung mà chưa bóc tách chi phí logistics cao là do khâu nào. Chẳng hạn, chi phí vận chuyển 1 container từ Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 3 lần so với vận chuyển từ Trung Quốc hay Hàn Quốc về Việt Nam thì phải bóc tách ra là cao do chi phí cho hãng tàu, hay thuộc các đơn vị giao nhận vận tải hay thuộc kho bãi cảng… “Khi bóc tách được từng khâu như vậy thì từ đó mới chỉ ra được đâu là chi phí vô lý, chi phí nào cần được giảm”, ông Minh gợi ý. Ngoài ra, để giải quyết tận gốc vấn đề này, Chính phủ phải đồng hành cùng DN mạnh mẽ hơn nữa trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng như chung tay cùng DN đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ cho ngành logistics.
Bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, chúng ta cần phải đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, cắt giảm chi phí, trong đó có chi phí logistics để nâng cao sức cạnh tranh cho DN. Bởi theo bà Thảo, trong 10 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn, song gần như các hoạt động cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh lại chững lại, ít được các bộ ngành quan tâm. Khi hoạt động cải cách chững lại thì đồng nghĩa với việc giảm chi phí logistics vẫn còn khó khăn.