Giá dầu thấp đang tác động mạnh đến hoạt động của doanh nghiệp dầu khí. Ảnh: Tiên Giang |
Giá dầu vẫn luôn là một ẩn số, đóng vai trò quan trọng trong kịch bản kinh tế nước ta trong những năm vừa qua. Đối với các doanh nghiệp dầu khí, tác động của giá dầu lên hoạt động kinh doanh còn mạnh mẽ hơn nhiều. Mặc dù dự báo giá dầu có thể hồi phục trong năm 2016, trên thực tế, giá dầu Brent bình quân quý I/2016 chỉ đạt 34 USD/thùng, giảm 20 USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Về nguyên tắc, giá dầu giảm giúp các doanh nghiệp ở hạ nguồn (downstream) có dầu, khí là nguyên liệu đầu vào trở nên lạc quan. Và ngược lại đối với các doanh nghiệp thượng nguồn (upstream) hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí cùng các dịch vụ liên quan. Thế nhưng, hầu như các doanh nghiệp dầu khí đều có cái nhìn tương đối bi quan về tình hình kinh doanh trong quãng thời gian còn lại của năm 2016.
Lợi thế giá dầu không còn
Năm 2015, trước diễn biến giá dầu giảm sâu, 2 doanh nghiệp đạm là Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ đã có kết quả kinh doanh tương đối khả quan. Lợi nhuận sau thuế Đạm Phú Mỹ đạt 1.488 tỷ đồng, tăng 35,7% so với năm 2014. Đáng chú ý, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ chủ yếu dựa vào việc cải thiện biên lợi nhuận do giá vốn hàng bán giảm sâu. Doanh thu thuần của Công ty này chỉ tăng nhẹ 2,2% so với năm 2014.
Với Đạm Cà Mau, trước sức ép cạnh tranh, giá dầu giảm cũng giúp doanh nghiệp này trụ vững hơn, đạt lợi nhuận 708 tỷ đồng, giảm 110 tỷ đồng so với năm 2014. Cần lưu ý, Đạm Cà Mau đã ghi nhận tới 412 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá trong năm 2015, trong khi con số cùng kỳ 2014 chỉ là 106 tỷ đồng.
Thế nhưng, giá dầu có vẻ sẽ không còn là “cứu cánh” của 2 doanh nghiệp đạm trong năm 2016. Nhận định tình hình kinh tế khó khăn, giá phân đạm giảm là kết quả có độ trễ của giá dầu giảm, cạnh tranh khốc liệt, Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau đều đặt kế hoạch lợi nhuận giảm tương đối so với kết quả năm 2015. Cụ thể, Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau đặt kế hoạch lợi nhuận lần lượt 1.228 tỷ đồng và 649 tỷ đồng, giảm 17,5% và 8,9% so với năm 2015.
Giá dầu giảm - thảm họa
Không giấu khó khăn, kế hoạch kinh doanh của PVDrilling được xây dựng trên 2 kịch bản về giá dầu. Theo đó, nếu giá dầu trên 60 USD/thùng, PVDrilling sẽ lãi khoảng 500 tỷ đồng, giảm 70% so với kết quả năm 2015. Kịch bản xấu hơn, Công ty chỉ có thể duy trì lợi nhuận khoảng 100 tỷ đồng nếu giá dầu dưới 60 USD/thùng.
Với PTSC, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2016 được Công ty này đặt ra là 22.000 tỷ đồng và 960 tỷ đồng, giảm lần lượt 7,3% và 35,7% so với kết quả đạt được năm 2015. PTSC còn để ngỏ khả năng nếu giá dầu ở mức bình quân 25 - 30 USD/thùng, doanh thu của Công ty chỉ còn khoảng 14.500 tỷ đồng và lỗ 250 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý I/2016 của 2 doanh nghiệp này phần nào phản ánh những khó khăn trước mắt. PTSC lãi ròng 245 tỷ đồng, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2015 trong khi doanh thu đạt 4.443 tỷ đồng, giảm 10,3%. Với PVDrilling, quý I/2016, lợi nhuận của Công ty đạt được thấp nhất trong 6 năm trở lại đây, chỉ còn 56 tỷ đồng. Đáng lo ngại, hiện chỉ có 2 trên 5 giàn khoan của Công ty hoạt động và đơn giá cho thuê giàn giảm tới 25% so với cùng kỳ 2015. Khối lượng công việc và đơn giá liên quan đến giàn khoan cũng đã giảm từ 30 - 50%.
Ông “Vua khí” PVGas cũng lao đao với giá dầu. Trong năm 2016, với kịch bản giá dầu 60 USD/thùng, công ty này đề xuất kế hoạch doanh thu và lợi nhuận giảm lần lượt 15,1% và 19,8% so với năm 2015, đạt 54.751 tỷ đồng và 7.085 tỷ đồng. Lãnh đạo PVGas thừa nhận, nếu giá dầu ở mức 30 USD/thùng, doanh thu và lợi nhuận của Công ty chỉ đạt khoảng 44.000 tỷ đồng và 4.700 tỷ đồng.
Quý I năm nay, PVGas đạt 1.315 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (phần dành cho cổ đông công ty mẹ) giảm 49% so với cùng kỳ 2015. Cũng nhắc lại, giá dầu bình quân quý I/2016 là 34 USD/thùng, thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch
Dường như doanh nghiệp nào cũng có một con đường lui cho chính mình. Năm ngoái, trước diễn biến giá dầu bất lợi, một loạt doanh nghiệp dầu khí đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh vào phút chót. Với diễn biến giá dầu và những giả định kế hoạch hiện tại, liệu việc điều chỉnh kế hoạch có tái diễn?