Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Tuy nhiên, nếu so với giai đoạn giảm điểm sâu trong hơn 1 năm trở lại đây, những điều chỉnh này chỉ mang tính kỹ thuật. Khó khăn đối với ngành là có thật. Các doanh nghiệp chưa thể phục hồi dễ dàng như những gì đã phản ánh trên bảng giá chứng khoán.
Hiện tại giá dầu Brent đang ở mức khoảng 33 USD/thùng, giảm sâu so với mức giá xung quanh 100 USD/thùng cách đây nửa năm.
Các ông lớn dầu khí gặp khó
Trong các doanh nghiệp niêm yết, Tổng công ty Khí Việt Nam - PVGas (GAS), Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí Việt Nam - PVDrilling (PVD) và Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PTSC (PVS) là những doanh nghiệp lớn hứng chịu nhiều rủi ro hơn cả về giá dầu. Kết quả kinh doanh quý 4/2015 của các doanh nghiệp nói trên đều sụt giảm mạnh so với trước đó.
Với PVGas, lợi nhuận quý 4/2015 của Công ty đạt 1.044 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ năm ngoái. PTSC lãi ròng 241 tỷ đồng quý 4/2015, giảm 70%. PVD lãi ròng vỏn vẹn 77 tỷ đồng quý 4/2015, giảm sâu 83% so với quý 4/2014.
Có thể thấy rằng, cho dù kết quả kinh doanh trong năm khả quan thế nào, đến quý 4/2015, dường như các doanh nghiệp đã bắt đầu “thấm đòn”. Theo các chuyên gia phân tích dự báo, ảnh hưởng của giá dầu lên các doanh nghiệp sẽ thể hiện rõ hơn ở kết quả kinh doanh năm 2016, thậm chí là năm 2017. Kết quả kinh doanh u ám của năm 2015, vì vậy chưa phải là tất cả những gì mà các doanh nghiệp “họ P” phải gánh.
Kế hoạch kinh doanh năm 2016 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được đề ra với giả định giá dầu ở mức 60 USD/thùng. Với phương án đó, dự kiến tổng doanh thu toàn Tập đoàn khoảng 514,5 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách là 104,2 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, Tập đoàn này đồng thời xây dựng kế hoạch tài chính theo phương án giá dầu ở các mức 55, 50, 40, 35, thậm chí 30 USD/thùng. Với phương án xấu nhất, giá dầu ở mức 30 USD/thùng, tổng doanh thu của PVN ước đạt 345,6 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách 57,3 nghìn tỷ đồng, giảm 45% so với mức nộp ngân sách khi giá dầu 60 USD/thùng.
Còn nhớ, năm 2015, Đại hội cổ đông thường niên của PVGas (tháng 4/2015) đã thông qua kế hoạch kinh doanh dựa trên giả định giá dầu 100 USD/thùng. Tại cuộc họp, chính cổ đông đã chất vấn, nếu giá dầu giảm xuống chỉ còn 50 USD/thùng thì kế hoạch của PVGas sẽ thế nào? Đại diện Công ty cho biết giả định về giá dầu là do PVN đưa ra. Trên thực tế, 6 tháng đầu năm, giá dầu bình quân đã ở mức 60 USD/thùng, giảm 40% so với mức giá đưa ra 2 tháng trước đó. Năm 2015, giá dầu bình quân chỉ đạt 54,5 USD/thùng. PVGas đã phải điều chỉnh kế hoạch và may mắn vượt 7,7% kế hoạch sau khi điều chỉnh vào phút cuối.
Giá dầu Brent trong 18 tháng gần nhất (Nguồn: Nasdaq)
Đừng đổ lỗi cho giá dầu!
Kịch bản xấu nhất mà Liên bộ Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư đưa ra năm 2015 là giá dầu thế giới dao động quanh mức 40 USD/thùng. Điều này đã chính thức trở thành hiện thực vào tháng 8 năm ngoái. Tình hình đến nay vẫn chưa ngừng tệ hơn.
Theo con số được ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính đưa ra, ngân sách năm 2015 của Việt Nam “hụt thu” 63 nghìn tỷ đồng do sụt giảm giá dầu. Những đình đốn, trì trệ của nền kinh tế dường như vì vậy mà dễ được neo vào nguyên nhân giá dầu lao dốc. Cộng với tình hình kinh doanh bết bát của các ông lớn ngành dầu khí, bức tranh giá dầu lại càng trở nên ảm đạm.
Thế nhưng, đôi khi người ta quên mất rằng, dầu mỏ, suy cho cùng cũng chỉ là một nguồn nguyên nhiên liệu, năng lượng trong quá trình sản xuất ra của cải vật chất. Về mặt nguyên tắc, mặt hàng này giá càng rẻ càng thúc đẩy sản xuất.
Hàng năm, Việt Nam sử dụng khoảng 14 - 16 triệu tấn xăng dầu. Giá đầu giảm khiến giá đầu vào của nền kinh tế giảm tương ứng khoảng 2,5 - 2,9 tỷ USD, cũng theo tính toán của ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn.
Ngân sách nhà nước 2015 mặc dù hụt thu 63 nghìn tỷ đồng do giá dầu, nhưng cuối cùng, với biến động khả quan của nền kinh tế, hoạt động của các doanh nghiệp, ngân sách vẫn tăng 74 nghìn tỷ đồng so với năm 2014.
Tờ Financial Times: Kể từ khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, gần như mọi cuộc suy thoái đều theo sau một đợt đi lên của giá dầu.
Đi lên, chứ không phải lao dốc!
Có lẽ đã đến lúc nhìn nhận việc giá dầu đi xuống là một cơ hội đối với nền kinh tế, khi mà thay vì thu ngân sách bằng việc “đào vàng đen lên bán”, ngân sách được bổ sung từ những khoản thuế đến từ hoạt động kinh doanh của các thành phần kinh tế.
Những khó khăn của các doanh nghiệp dầu khí và lao động trong ngành là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, khách quan mà nói, không một doanh nghiệp nào lại không có lúc đối diện với những rủi ro ngoài kiểm soát. Bây giờ là lúc các doanh nghiệp dầu khí phải tìm ra phương án tối ưu hóa, sắp xếp lại sản xuất kinh doanh và chờ thời hoàng kim quay trở lại.