Doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiệu ứng tích cực lan tỏa từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ cùng với tinh thần khởi sự kinh doanh mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã thổi luồng gió mới vào tình hình đăng ký DN trong tháng 4/2022 và 4 tháng đầu năm nay. DN Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ trở lại.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động phục hồi ấn tượng với 31.000 doanh nghiệp, cao gấp 2 lần mức bình quân 4 tháng đầu năm giai đoạn 2017 - 2021. Ảnh: Song Lê
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động phục hồi ấn tượng với 31.000 doanh nghiệp, cao gấp 2 lần mức bình quân 4 tháng đầu năm giai đoạn 2017 - 2021. Ảnh: Song Lê

Tiếp đà phục hồi ấn tượng trong quý I/2022, số DN đăng ký thành lập mới trong tháng 4 tiếp tục tăng mạnh với 15.001 DN. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là con số ấn tượng ghi nhận lần đầu tiên trong lịch sử, số DN đăng ký thành lập mới trong một tháng vượt mốc 15.000 DN, cao hơn mức trung bình 13.000 DN thành lập mới trong tháng 4 của giai đoạn 2017 - 2021.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong tháng 4/2022, có 3/6 khu vực trên cả nước có số DN đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2021 là: Đồng bằng sông Cửu Long; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; Đồng bằng sông Hồng… Số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong tháng 4/2022 là 104.757 người, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Với số DN thành lập kỷ lục trong tháng 4, tính chung 4 tháng đầu năm 2022, cả nước có 49.591 DN mới - mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021. Số vốn đăng ký đạt 635.282 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Nếu tính cả 1.345,5 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 17,1 nghìn DN tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2022 là 1.980,8 nghìn tỷ đồng, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2022 là 348.223 lao động, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Phân theo lĩnh vực hoạt động, có 13/17 ngành có số lượng DN thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, các ngành có mức tăng lớn nhất là: kinh doanh bất động sản; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; dịch vụ lưu trú và ăn uống…

Cùng với tín hiệu khả quan từ DN thành lập mới, trong 4 tháng đầu năm 2022, DN quay trở lại hoạt động cũng phục hồi ấn tượng với 31.000 DN, tăng trên 60% so với cùng kỳ năm 2021. “Đây cũng là mức kỷ lục về số DN tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm, cao gấp 2 lần mức bình quân 4 tháng đầu năm giai đoạn 2017 - 2021 (bình quân 15.500 DN)”, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh nhận xét.

Dù vậy, vẫn có 61.536 DN tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể, đã giải thể trong 4 tháng qua, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2021. Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, phần lớn các DN này có quy mô nhỏ, thời gian hoạt động ngắn (chiếm khoảng 90% tổng số DN rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2022) và chủ yếu lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn. Trong khi đó, các DN giải thể và chờ làm thủ tục giải thể lại có xu hướng giảm.

Trên thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN phục hồi khá rõ nét. Thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2022 vừa được Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát công bố cho thấy, Hòa Phát đạt 44.400 tỷ đồng doanh thu, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 17% so với quý I/2021 bất chấp những khó khăn, thách thức do giá cả đầu vào tăng.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu thủy sản trong quý I phục hồi mạnh mẽ, đạt trên 2,5 tỷ USD, tăng gần 46% so với cùng kỳ năm 2021… Trong kế hoạch kinh doanh năm 2022, nhiều DN thủy sản như: Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang; Công ty CP Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp); Công ty CP Thực phẩm Sao Ta… đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận tăng cao so với năm trước. Theo các DN, đến nay công suất của các nhà máy đã trở lại như trước khi dịch Covid-19 bùng phát; nhiều chính sách được ban hành có tác động tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN cũng như làm minh bạch hóa môi trường kinh doanh.

Ngay cả một số ngành trước đây bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch như du lịch, hàng không… đến thời điểm này cũng đang phục hồi rõ nét.

“DN đã lấy lại được trạng thái kinh doanh theo hướng thích ứng linh hoạt và chủ động với tình hình mới, dựa trên khả năng sáng tạo, đổi mới và nhìn thấy những cơ hội kinh doanh đã và đang đặt ra trước mắt”, ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định.

Về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhiều tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Phát triển châu Á; Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam… đều dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,5% trong năm nay và 6,7% trong năm 2023. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hoạt động gia nhập thị trường cũng như sản xuất kinh doanh của DN thời gian tới sẽ tiếp đà phục hồi, phát triển sôi động.

Tin cùng chuyên mục