Doanh nghiệp giảm sức cạnh tranh vì phí logistics

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo tính toán của Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), năm 2021, chi phí logistics chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa Việt Nam, trong khi mức chi phí này trên thế giới chỉ khoảng 10,6%. Với việc đà tăng giá xăng dầu trong nước chưa có dấu hiệu dừng lại, chi phí logistics sẽ là bài toán khó đối với doanh nghiệp (DN) logistics cũng như các lĩnh vực khác trong thời gian tới.
Năm 2021, chi phí logistics chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa Việt Nam, cao hơn nhiều so với các nước khác. Ảnh: Lê Tiên
Năm 2021, chi phí logistics chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa Việt Nam, cao hơn nhiều so với các nước khác. Ảnh: Lê Tiên

Áp lực đè áp lực

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho biết, hiện giá cước vận tải biển đã giảm 30% so với thời điểm trước khi diễn ra xung đột Nga - Ukraine. Nguyên nhân một phần quan trọng là do dịch Covid-19 tái phát tại Trung Quốc buộc các hãng tàu phải hạ giá cước để lấy hàng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký VLA, mặc dù giá cước vận tải biển giảm nhẹ so với cao điểm năm ngoái, song vẫn còn ở mức cao. Đặc biệt, với việc giá xăng liên tiếp tăng cao trong thời gian gần đây, ông Tương cho rằng, các DN nói chung, trong đó có DN logistics nói riêng tiếp tục phải đối mặt với tình thế vô cùng khó khăn.

Theo ông Tương, chi phí xăng dầu chiếm 30 - 35% chi phí logistics. Giá xăng dầu tăng không chỉ gây khó khăn cho DN logistics mà còn buộc DN trong các lĩnh vực khác phải tăng giá dịch vụ, sản phẩm hàng hóa để bù đắp, duy trì hoạt động. Từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như khả năng cạnh tranh của DN.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, chi phí logistics của Việt Nam, bao gồm chi phí nhiên liệu, chi phí cầu đường, yêu cầu trang thiết bị… cao hơn nhiều so với các nước khác. Đặc biệt, gần đây, giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng sẽ đẩy áp lực tăng chi phí logistics. Bên cạnh chi phí chính thức, bà Thảo cho rằng, chi phí không chính thức trong hoạt động logistics vẫn là vấn đề nhức nhối với DN.

Để duy trì sản xuất, mới đây, hàng loạt các DN, trong đó có DN ngành xi măng đã buộc phải tăng giá bán. Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, việc tăng giá bán là điều không mong muốn nhưng nếu không tăng giá bán thì DN sản xuất sẽ phải đóng cửa. Trên thực tế đã có DN phải đóng cửa.

Nỗ lực kéo giảm chi phí logistics

Trong thời gian tới, ông Nguyễn Tương dự báo, xu hướng chung giá cước vận tải có thể tăng cao. Ông Tương cho biết, hiện VLA tiếp tục tích cực hỗ trợ các hội viên giảm chi phí logistics bằng cách thay đổi phương thức điều hành, thay đổi giữa các phương thức vận chuyển sao cho hợp lý cũng như phát triển mạnh đội tàu biển Việt Nam. Ngoài ra, để giảm chi phí, DN logistics cũng cần nâng cao chất lượng dịch vụ; đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số cũng như sắp xếp lại tổ chức tinh gọn hơn, hiệu quả hơn.

Theo một số chuyên gia, cần cải tiến quy định tại các kho ngoại quan hoặc các khu vực quản lý hải quan theo hướng cho phép DN logistics có thể lắp đặt, gia công cũng như đóng gói, dán nhãn hàng hóa… vì đây là các hoạt động cơ bản mà DN logistics trên thế giới đã làm từ rất lâu. Ngoài ra, để kéo giảm chi phí, cần tiếp tục đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hải quan. Trong đó, cần nhanh chóng xây dựng các hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử giữa DN, hải quan và cơ quan liên quan. Cần có thêm thông tin, hướng dẫn để DN tiếp cận với các dự án đầu tư trung tâm logistics. Những thông tin hữu ích sẽ là tiền đề để DN có thể liên kết, tập trung nguồn lực đầu tư và phát triển các trung tâm logistics tại Việt Nam.

Trong bối cảnh DN đang trong tiến trình phục hồi sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 kéo dài suốt hơn 2 năm qua, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, để giảm áp lực do giá xăng dầu tăng cao, các địa phương nên tạm dừng việc thu phí hạ tầng đối với hàng hóa xuất khẩu, đồng thời, xem xét mức thu phí phù hợp với thực tế hoạt động của DN…

Liên quan đến vấn đề thu phí cảng biển, ngày 6/5 vừa qua, Bộ Tài chính đề nghị UBND TP.HCM khẩn trương báo cáo HĐND Thành phố sửa đổi Nghị quyết 10/2020-HĐND về mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM.

Trước đó, Bộ Tài chính cùng một số đơn vị khác đã có công văn đề nghị TP.HCM xem xét trả lời kiến nghị của các DN, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tính hợp lý của Nghị quyết 10/2020/NQ-HĐND, nhất là quy định mức phí chênh lệch giữa hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM và mở tờ khai tại các địa phương khác để điều chỉnh mức phí đảm bảo bình đẳng.

Tin cùng chuyên mục