Quang cảnh Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên |
Thông tin với Thủ tướng và toàn thể Hội nghị, ông Thân cho biết, DN vẫn gian khổ trên con đường làm ăn chân chính về gánh nặng chi phí, kể cả chi phí chính thức và chi phí không chính thức.
Về chi phí chính thức, kết quả đạt được về cải cách thủ tục hành chính và cải cách thủ tục phí và lệ phí chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ còn cao trong cơ cấu chi phí chung của DN. Nhiều thủ tục hành chính chồng chéo, phức tạp dẫn đến gia tăng thời gian và chi phí chính thức của DN.
Về chi phí không chính thức, dù chi phí thực hiện các dịch vụ công như đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế, hải quan đang có xu hướng giảm (năm 2015 là trên 28%, nhưng đến năm 2016 chỉ còn gần 19%). Tuy nhiên, với các khoản chi phí cho tiếp cận các dịch vụ công như xin cấp chứng chỉ hành nghề, xin cấp giấy phép trong giải quyết các thủ tục về đất đai, xây dựng, tiếp cận vốn ngân hàng…chưa có dấu hiệu cải thiện. Ngoài ra, ở một số lĩnh vực doanh nghiệp còn bị thường xuyên kiểm tra, thanh tra nhanh trong việc chấp hành pháp luật thuế, an toàn thực phẩm… buộc doanh nghiệp tiếp tục các khoản chi không chính thức, chưa có sự cải thiện.
“Do chi phí chính thức và không chính thức còn cao dẫn đến giá thành sản phẩm cao, làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Thân nói.
Đề cập về nguyên nhân dẫn đến DN phải chi nhiều khoản chi phí không chính thức, ông Thân cho biết, dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN, nhưng khâu thực thi vẫn là khâu yếu nhất. Một bộ phận cán bộ công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước thi hành công vụ vẫn thờ ơ, vô cảm, thậm chí thiếu trách nhiệm với DN, chỉ tìm cách bắt lỗi DN mà chưa coi DN là đối tượng phục vụ. Trường hợp nếu DN không thực hiện thì DN phải đi đêm, bôi trơn… “Hiện tượng này tương đối phổ biến”, ông Thân phản ánh.
Trong khi đó, nhìn từ phía DN, ông Thân cho hay, vẫn còn một số bộ phận DN do nhận thức chưa đúng về nền kinh tế thị trường, thiếu năng lực cạnh tranh, thiếu đạo đức kinh doanh đã chạy theo kiểu kinh doanh bằng “quan hệ” để thay thế cho cạnh tranh lành mạnh. Theo đó, các DN này đã chủ động “đi đêm”, “đi ngầm”. Mặt khác, một số DN bị sức ép từ phía công chức, viên chức nên buộc phải chi để được việc dù đã nhận thức được hành vi này là không chính đáng, là vi phạm pháp luật, song vì sự tồn tại và để có công ăn việc làm nên họ thực hiện.
“Nếu chi phí không chính thức không được ngăn chặn, đẩy lùi sẽ gây ra muôn vàn khó khăn cho DN, khiến DN không biết đường nào mà lần, từ đó bào mòn cũng như bóp méo nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng của thị trường, giảm sức cạnh tranh của DN, của quốc gia. Đặc biệt là làm giảm niềm tin của nhân dân”, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam khuyến cáo.
Để khắc phục thực trạng trên, ông Thân nhấn mạnh giải pháp cần sự chung tay và thực tâm của cả hai phía là cơ quan quản lý nhà nước trong thực thi công vụ và DN. Ông Thân cũng nêu một số kiến nghị khác như: DN cần phải xây dựng tập quán, xây dựng thói quen tuân thủ quy định pháp luật, đề cao đạo đức văn hóa kinh doanh; các DN lớn có sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh cho các DNNVV; Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV để tháo gỡ khó khăn cho DN…