Doanh nghiệp lo đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu

(BĐT) - Dịch Covid-19 tái bùng phát ở Trung Quốc cùng với xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết khiến giá cả tăng cao, nhiều ngành sản xuất phải đối mặt với nỗi lo đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu. Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022 vừa ban hành, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp thiết thực hỗ trợ DN.
Tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu do tắc nghẽn cảng biển thế giới cũng như tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp dệt may gặp khó. Ảnh: Lê Tiên
Tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu do tắc nghẽn cảng biển thế giới cũng như tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp dệt may gặp khó. Ảnh: Lê Tiên

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty CP May 10 cho biết, khó khăn về nguồn cung nguyên vật liệu vẫn là thách thức đối với các DN dệt may. Theo ông Việt, tình trạng tắc nghẽn cảng biển thế giới cũng như biến động dịch bệnh tại Trung Quốc khiến nhiều DN dệt may gặp khó. “Hiện tại chúng tôi vẫn sắp xếp được nguồn cung nguyên vật liệu. Tuy nhiên, nguồn cung về dài hạn cũng khá lo ngại nếu tình hình vẫn như hiện nay”, ông Việt chia sẻ.

Đối với DN sản xuất phân bón, cuộc xung đột Nga - Ukraine (2 nhà cung cấp phân bón lớn trên thế giới) là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá thành sản phẩm cũng như giá nguyên liệu sản xuất tăng cao. Ông Nguyễn Hùng Thắng, Giám đốc Công ty CP Vinachem Việt Nam cho biết, DN đang phải mua nguyên liệu cho sản xuất với giá cao hơn nhiều so với thời điểm chưa có xung đột Nga - Ukraine.

Đến thời điểm này, tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Thang máy Thiên Nam đã gần trở về mốc trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Lượng đơn hàng khá dồi dào. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty thì DN đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Nguyên nhân là do có sự đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, đặc biệt là mặt hàng Niken (làm thép không gỉ để sản xuất thang máy) từ thị trường Ukraine giảm mạnh do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Cước phí vận chuyển các mặt hàng vật tư quan trọng từ nước ngoài để sản xuất cũng tăng cao; thời gian giao hàng chậm khiến DN rất bị động trong việc thực hiện các hợp đồng kinh doanh.

Theo một số chủ đầu tư, trong quý I, nhiều nhà máy nhiệt điện, trong đó có Nhiệt điện than BOT Vĩnh Tân 1 không được cung cấp đủ than theo như hợp đồng đã ký. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng thừa nhận, khối lượng than cấp cho các nhà máy nhiệt điện thấp do thiếu nhân lực làm việc tại các mỏ than, việc mua than nhập khẩu cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine.

Trước nguy cơ thiếu hụt nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, có thể tạo lực cản lớn đối với sự phục hồi kinh tế, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, cần có giải pháp thiết thực, cụ thể để hỗ trợ DN tiếp cận nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, nhất là các mặt hàng chiến lược như: xăng dầu, than, phân bón...

Chính phủ chỉ đạo tiếp tục theo dõi tình hình quốc tế, nhất là xung đột Nga - Ukraine, diễn biến và ứng phó với dịch Covid-19 trên thế giới, tình hình lạm phát, giá cả nhiên liệu và các mặt hàng chiến lược để chủ động phân tích, dự báo, đề xuất giải pháp phù hợp ứng phó, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022, Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới sẽ chỉ đạo các đơn vị sản xuất bám sát diễn biến thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước thay thế cho nhu cầu nhập khẩu; chỉ đạo các DN trong ngành năng lượng theo dõi sát cung - cầu dầu thô, than nhập khẩu; hỗ trợ DN về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu...

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương chỉ đạo các DN đầu mối thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu bổ sung được giao trong quý II; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường… Bộ Công Thương cũng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khẩn trương làm việc với các bên liên quan để sớm giải quyết dứt điểm các vấn đề trong liên doanh tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn nhằm đảm bảo việc sản xuất, cung ứng xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước.

Về phía DN, theo ông Thân Đức Việt, để giảm thiểu rủi ro phụ thuộc nguồn cung nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc, Tổng công ty May 10 đang chuyển đổi nguồn cung. Ông Nguyễn Hùng Thắng cho biết, DN tăng cường nhập khẩu nguồn nguyên liệu dự trữ để phục vụ sản xuất, kinh doanh phân bón.

Ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 cũng cho biết, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 phối hợp với TKV để thống nhất, xin ý kiến Chính phủ phê duyệt phương án đa dạng hóa nguồn cung. Đến thời điểm này, một số gói thầu mua than nhập khẩu đã lựa chọn được nhà thầu cung cấp.

Tin cùng chuyên mục