DN VN cần một môi trường nuôi dưỡng sáng tạo - Ảnh: Nguyễn Long |
Tại hội thảo, PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nhận định kinh tế VN đi qua năm 2015 với tinh thần lạc quan khi có sự phục hồi và ổn định. Tuy nhiên việc tăng trưởng đó chưa đảm bảo chắc chắn, phần lớn là đóng góp của khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong khi đó, DN nội địa chưa có chuyển biến nhiều, còn nhiều khó khăn như lĩnh vực nông nghiệp. Ví dụ năm 2015, số DN đóng cửa vẫn tăng 22,4% so với 2014. Bước sang 2 tháng đầu năm nay, số DN đóng cửa vẫn tăng 17,3% so với 2 tháng đầu năm 2015. Thách thức khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do đang dần hiện rõ.
Vẫn chỉ tháo gỡ ngắn hạn
“Nền kinh tế chúng ta có độ mở cực kỳ cao nhưng FDI chiếm 60 - 70% trong kim ngạch xuất khẩu. Điều này cho thấy những chính sách vĩ mô hiện nay chưa thuận lợi cho khu vực DN trong nước để tác động đến việc thay đổi kinh tế. DN của ta ngày càng nhỏ đi về tầm vóc, quy mô. Ra trận mà lại càng nhỏ đi trong khi đòi hỏi quy mô cần phải lớn hơn thì chúng ta chiến đấu như thế nào? Việc tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế thời gian qua vẫn chưa rõ và VN chủ yếu vẫn chỉ hì hục tháo gỡ những khó khăn mang tính ngắn hạn”, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng phân tích, tuy kinh tế vĩ mô tương đối ổn định nhưng trong năm 2016 và những năm tới còn nhiều khó khăn. VN vừa phải giải quyết những vấn đề đang tồn tại ngắn hạn, vừa phải thực hiện các mục tiêu trung dài hạn liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng như giải quyết vấn đề suy giảm trong sản xuất nông nghiệp... “Chúng ta đang ở trong thời đại mà sự thắng thua trên thương trường không tùy thuộc vào quy mô DN lớn nhỏ, mà tùy thuộc vào tư duy đổi mới và sáng tạo. DN VN cần một môi trường khả dĩ nuôi dưỡng sự sáng tạo; cần một thể chế kinh tế mà ở đó sự phân phối nguồn lực và các yếu tố sản xuất thông qua thị trường”, TS Trần Du Lịch bày tỏ.
Doanh Nghiệp ngoại được ưu đãi nhiều
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty VN kỹ nghệ súc sản (Vissan), chia sẻ: Có người hỏi tại sao tôi vẫn mua lợn của một đơn vị FDI đang ở VN về giết mổ lấy thịt? Tại sao FDI nuôi được mà DN nội lại không nuôi được? Thật sự thì nhà nước đã có nhiều ưu đãi cho FDI trong một quá trình dài trước đây, tạo ra khoảng cách khá xa với các DN nội. “Nhà nước đang nợ DN một vấn đề lớn là giải quyết các cơ chế chính sách. Nhà nước nên chủ động tháo gỡ chứ không phải để DN làm đơn xin tháo gỡ. Ngay chính sách cho DN nội địa như Nghị định 55/2015 của Chính phủ nhằm về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn từ giữa năm 2015 dường như cũng chưa có ai tiếp cận được (cá nhân, tổ chức được vay vốn ngân hàng từ 50 triệu đến 3 tỉ đồng mà không cần tài sản thế chấp - PV)”, ông Mười nói.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, cho rằng việc khối FDI chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu, như kiểu xác của chúng ta nhưng hồn của nước ngoài, là cực kỳ nguy hiểm. Ông Vũ nhấn mạnh: “Cộng đồng DN VN đang thiếu chính sách. Hãy tạo cho doanh nhân VN một niềm tin thật sự vì kinh doanh là rủi ro chứ không phải thảm đỏ và hoa tươi. Nếu chúng ta không hành động nỗ lực và trách nhiệm thì không thể rút ngắn khoảng cách giữa FDI và trong nước. Ví dụ trong ngành thép, hiện nay hầu hết nằm trong tay DN FDI. Tôi đã đầu tư lớn vài tỉ USD nhưng thử hỏi tôi có dám đầu tư lớn hơn, như Formosa Hà Tĩnh không thì tôi không dám vì không có sự hỗ trợ nào và không có Chính phủ đứng sau lưng thì tôi không dám ôm rủi ro, không dám hy sinh quyền lợi của cổ đông. Như vậy làm sao để tiến lên và 5 - 10 năm sau ngành thép sẽ rơi vào tay ai?”.