Doanh nghiệp tư nhân đã có những bước tiến mạnh mẽ trong thời gian qua. Ảnh: Lê Tiên |
Bứt phá
Nhìn vào bảng doanh thu từ khối DN lọt vào Top 500 DN triển vọng xuất sắc nhất Việt Nam 2016 sẽ được công bố vào đầu tháng 4 tới đây thì điểm đáng chú ý là tỷ trọng doanh thu của các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đang “lấn lướt” các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Tại Bảng xếp hạng được công bố năm 2014, tỷ trọng doanh thu lớn đều thuộc các DNNN như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam… chiếm tới 57% doanh thu toàn Bảng. Tuy nhiên, tại Best Prospect 500 năm 2016, khối DNTN đã tạo vị thế mới với tỷ trọng trên 54% doanh thu của Bảng; DNNN chiếm 39,2%; DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 6,4%.
Đứng đầu Top 10 DNTN triển vọng xuất sắc nhất năm 2016 là Công ty CP Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng; Công ty CP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn; Công ty Xây dựng Lê Phan (TNHH); Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn… với doanh thu và lợi nhuận sau thuế vượt xa năm trước.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đây được xem là điểm sáng trong bối cảnh hội nhập sâu, vì bấy lâu nay, khối DNTN vẫn được coi là “yếu”. Các chuyên gia tin tưởng, DNTN Việt Nam hoàn toàn có khả năng lớn hơn nữa nếu kịch bản cổ phần hóa DNNN diễn ra đúng lộ trình. Khi các DNNN hoạt động không hiệu quả được tái cơ cấu hợp lý, số lượng và chất lượng của các DNTN trong nước được cải thiện thì DN Việt sẽ ngày càng mạnh, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của kinh tế.
Bám sát ngành nghề kinh doanh cốt lõi
Phải nhìn nhận một thực tế rằng, cho đến nay, việc cổ phần hoá DN chủ yếu được tiến hành đối với các DNNN quy mô nhỏ, hiệu quả của công tác này dường như chưa được như kỳ vọng. Trong khi đó, hiện phần đông DNTN trong nước là các DN nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ vẫn đang vướng “rào cản” về vốn, quản trị, công nghệ và nhân lực.
Kết quả khảo sát Best Prospect 500 chỉ ra ba ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh của DN trong năm 2016 lần lượt là: Tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận trong các thị trường hiện tại (chiếm 89,8%); cắt giảm chi phí (chiếm 69,4%) và giới thiệu sản phẩm/dịch vụ mới (chiếm 59,3%). Chỉ có khoảng 50% DN ưu tiên mở rộng đầu tư kinh doanh sang lĩnh vực mới. Ưu tiên này cũng chỉ đứng thứ 5 trong số 8 ưu tiên được đưa ra cho thấy, các DN đã thực sự nhận ra được giá trị cốt lõi của mình và thận trọng hơn khi đưa ra quyết định đầu tư sang một lĩnh vực mới.
Đề cập về nguồn cung ứng nội địa, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp Việt Nam. Song, nhiều nhà đầu tư cho rằng, đến nay, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam vẫn còn khá xa so với nhiều quốc gia trong khu vực. Đơn cử như ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, hiện tỷ lệ nội địa hóa mới chiếm khoảng 20 - 40%.
Từ kết quả khảo sát của Best Prospect 500 năm 2016 cho thấy, các DN Việt Nam đang trưởng thành từng ngày, hoàn toàn có đủ khả năng trở thành những đối thủ cạnh tranh mạnh nếu tận dụng tốt những cơ hội từ hội nhập kinh tế toàn cầu và tối ưu hóa năng lực hoạt động của mình.