Thâu tóm Du lịch Hương Giang, Bitexco đã sở hữu một loạt khách sạn lớn, nằm ở những vị trí đắc địa tại TP. Huế. Ảnh: Văn Thắng |
Chi phí bào mòn lợi nhuận
Công ty CP Du lịch Hương Giang có trụ sở tại số 2 đường Nguyễn Công Trứ, TP. Huế, là doanh nghiệp nhà nước được thành lập năm 1996. Đây là một trong những đơn vị kinh doanh du lịch, khách sạn lớn hàng đầu của tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài Khách sạn Hương Giang Resort & Spa 4 sao ở số 51 Lê Lợi, TP. Huế, Công ty còn một số công ty trực thuộc như Công ty TNHH Lữ hành Hương Giang ở số 11 Lê Lợi; Công ty CP Du lịch Mỹ An ở xã Phú Dương, huyện Phú Vang.
Ngoài ra, Du lịch Hương Giang còn có 3 đơn vị liên doanh bằng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Đó là Khách sạn 4 sao Saigon Morin, liên doanh với Saigontourist với tỷ lệ góp vốn 50%, Khách sạn 5 sao La Residence, liên doanh với Công ty Khách sạn Kinh Thành, góp vốn 49% và Lăng Cô Beach Resort với tỷ lệ góp vốn 40%. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của Công ty không mấy hiệu quả, tính đến năm 2017 Du lịch Hương Giang đã có 5 năm liên tục thua lỗ với mức lỗ lũy kế lên tới 37,5 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý II/2018 cũng không có nhiều sự thay đổi, doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ của Du lịch Hương Giang đạt 11,1 tỷ đồng, tăng 4,71% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí nhân công trong hoạt động kinh doanh khách sạn được tiết giảm đã giúp biên lợi nhuận gộp của Công ty cải thiện mạnh khi tăng từ mức 25,37% quý II/2017 lên trên 32% trong quý II/2018. Thế nhưng, mức lãi gộp hơn 3,61 tỷ đồng không đủ để bù đắp các khoản chi phí hoạt động trong kỳ của Công ty. Kết thúc quý II/2018, Du lịch Hương Giang lỗ 464,7 triệu đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty là âm 38,29 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2018, tổng tài sản của Du lịch Hương Giang đạt 245,93 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm 2018. Cơ cấu tài sản tập trung chủ yếu vào tài sản dài hạn, chiếm tới 68,2% tổng tài sản. Công ty không sử dụng nợ vay tài chính để phục vụ hoạt động kinh doanh chính.
Lùm xùm chuyện thoái vốn
Năm 2008, Du lịch Hương Giang tiến hành cổ phần hóa với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước nắm giữ là 125,72 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 62,86% vốn điều lệ của Công ty. Công ty Sản xuất - Kinh doanh - Xuất nhập khẩu Bình Minh (đổi tên thành Tập đoàn Bitexco) là một trong những cổ đông lớn chiếm 7,62% vốn điều lệ.
Sau nhiều năm đồng hành cùng với Du lịch Hương Giang, đến năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định phê duyệt nhà đầu tư là Tập đoàn Bitexco để thực hiện thoái vốn trọn lô số cổ phần Nhà nước hiện đang nắm giữ tại Du lịch Hương Giang đồng thời tiến hành chuyển nhượng 12,57 triệu cổ phần (tương đương 62,86% vốn tại doanh nghiệp) cho Tập đoàn Bitexco. Bitexco đã nâng tỷ lệ sở hữu từ mức 7,62% lên 70,48%. Giá trị chuyển nhượng ước tính 158,4 tỷ đồng tương ứng với mức giá 12.600 đồng/CP. Như vậy, Bitexco đã sở hữu một loạt khách sạn lớn, sang trọng, nằm ở những vị trí đắc địa tại TP. Huế.
Tuy nhiên, theo Điểm b, Khoản 4 Điều 38 Nghị định 91/2015/ND-CP, việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp như Công ty Du lịch Hương Giang phải thực hiện thông qua hình thức đấu giá. Chỉ trong trường hợp không thành công khi đấu giá cổ phần theo lô, cơ quan đại diện chủ sở hữu mới thực hiện bán thỏa thuận trực tiếp với nhà đầu tư. Chính điều này đã khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn về thương vụ sang tay này của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Một số chuyên gia cho rằng, việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chuyển nhượng cổ phần không qua đấu giá tạo ra lỗ hổng, dễ gây thất thoát tài sản nhà nước. Vấn đề này đã được Tỉnh báo cáo Chính phủ và hiện tại đang chờ đợi kết luận từ Thủ Tướng.