Đổi mới cơ chế xã hội hóa đầu tư ngành y tế

(BĐT) - Để mở đường cho hoạt động xã hội hóa đầu tư các cơ sở y tế, TP.HCM có chủ trương cho các bệnh viện vay vốn để đầu tư xây mới, cải tạo, mở rộng, mua sắm trang thiết bị hiện đại.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Bệnh viện tự tìm đường đổi mới

Kể từ 1/3/2016, theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 do Liên bộ Y tế - Tài chính ban hành, nhằm quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, hơn 1.887 dịch vụ y tế đã tăng giá, với mức tăng từ 2 - 7 lần. Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều cơ sở y tế công lập cho biết, Thông tư này đã “cởi trói” cho ngành y tế, tạo điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ.

Theo thông tin từ các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, tại TP.HCM hiện có 4 hình thức xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đang được triển khai là hình thức vay vốn theo Chương trình kích cầu của TP.HCM; hình thức liên doanh, liên kết; hình thức tự chủ toàn phần và hình thức hợp tác công tư (PPP). Trong đó, hình thức liên doanh, liên kết dành được nhiều sự quan tâm của các cơ sở y tế vì ưu điểm là đáp ứng nhanh nguồn vốn và nhu cầu trang thiết bị của đơn vị.

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, với hình thức liên doanh, liên kết, người bệnh sẽ là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất khi phải gánh chịu phần lãi suất trả cho đối tác cao hơn so với lãi suất vay kích cầu. Đó là chưa kể, đối tác khi đã thu hồi vốn xong thì cơ sở y tế sẽ phải tiếp tục chi trả lãi suất đến khi tài sản không còn giá trị sử dụng.

Việc thiếu một hệ thống cơ chế, chính sách về vốn và đất đai đã khiến các dự án trong lĩnh vực y tế chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân.
Sở Y tế TP.HCM cho biết, đến năm 2015, Thành phố có 7 bệnh viện được giao tự chủ bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên (không nhận ngân sách nhà nước) là các bệnh viện: Từ Dũ, Hùng Vương, Mắt, Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt, Da Liễu và Bệnh viện quận Bình Thạnh. Mô hình này bắt buộc các bệnh viện phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại.

Tuy nhiên, theo Sở Y tế TP.HCM, việc thiếu một hệ thống cơ chế, chính sách vốn, đất đai, nguồn nhân lực và thủ tục đầu tư trong một thời gian dài đã khiến các dự án trong lĩnh vực y tế chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, các đơn vị không tổ chức lựa chọn nhà đầu tư bằng đấu thầu (mà chỉ định) nên đã phát sinh lợi ích nhóm, lạm dụng chỉ định các dịch vụ kỹ thuật xã hội hóa để thu hồi vốn nhanh, dẫn đến nguồn thu của cơ sở y tế bị chia sẻ. 

Ưu tiên vay vốn theo chương trình kích cầu đầu tư

Để mở đường cho hoạt động xã hội hóa đầu tư các cơ sở y tế, TP.HCM đã có chủ trương hỗ trợ lãi suất vay vốn thông qua Chương trình xã hội hóa trong đầu tư y tế, giáo dục. Theo đó, các cơ sở y tế (kể cả các cơ sở y tế ngoài công lập) được Thành phố cho vay vốn để đầu tư xây mới, cải tạo, mở rộng, mua sắm trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật cao chuyên sâu, đầu tư hệ thống xử lý nước thải với mức lãi suất hỗ trợ là 100%, thời gian hỗ trợ không quá 7 năm và mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất không quá 100 tỷ đồng/dự án.

Theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, đây là hình thức vay vốn tối ưu nhất vì được ngân sách Thành phố trả lãi vay, giá thu dịch vụ do đơn vị tự quyết định (để hoàn vốn) nhưng không phải cộng thêm tiền lãi suất (do ngân sách đã trả). Tuy nhiên, hình thức này còn một số hạn chế như thời gian lập, phê duyệt dự án kéo dài; chủ đầu tư phải có thế chấp tài sản đảm bảo nợ vay, phải có vốn đối ứng, song nếu giải quyết được các khó khăn này thì đây là một trong những hình thức xã hội hóa minh bạch, hiệu quả nhất đối với các cơ sở y tế công lập.

Sở Y tế TP.HCM cho rằng, nếu đơn vị nghiêm túc xây dựng kế hoạch mua sắm dài hạn, kế hoạch sửa chữa, bảo hành, bảo trì trang thiết bị thì hình thức vay kích cầu vẫn là ưu tiên số 1. Qua những mặt trái của đầu tư xã hội hóa cộng với kết quả thực tiễn xảy ra tại các bệnh viện thì thứ tự ưu tiên để lựa chọn hình thức xã hội hóa trong giai đoạn này là vay kích cầu và vay các tổ chức tín dụng.

Điển hình về cơ sở y tế vận dụng tốt nguồn vốn vay từ Chương trình kích cầu đầu tư của TP.HCM là Bệnh viện Từ Dũ. Cả hai công trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng Khu khám bệnh (Khu M) với tổng mức đầu tư 91,7 tỷ đồng và Công trình xây mới Khu kỹ thuật chăm sóc sức khỏe sinh sản (Khu N) với tổng mức đầu tư 265,3 tỷ đồng đều sử dụng nguồn vay kích cầu.

Sự mạnh dạn trong kế hoạch xây dựng, mua sắm dài hạn và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đã giúp Bệnh viện trở thành địa chỉ tin cậy phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Tin cùng chuyên mục