Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Trải thảm đỏ chờ nhà đầu tư
Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, theo định hướng phát triển, ngành y tế Cà Mau đang nỗ lực thực hiện tốt việc xã hội hoá công tác y tế, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển các cơ sở khám chữa bệnh, các bệnh viện tư, liên kết các tổ chức và cá nhân đầu tư thiết bị trong cơ sở y tế công lập và mở rộng dịch vụ y tế tại các bệnh viện. Đây cũng chính là lý do mà Sở Y tế Cà Mau vừa tổ chức Hội thảo tìm kiếm nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa về trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế công lập tại tỉnh Cà Mau. Danh mục hàng hóa chi tiết Sở Y tế Cà Mau “mời chào hàng” các nhà đầu tư khá đa dạng, từ Máy CT Scanner 32 lát cắt, DSA, máy lọc thận đến các thiết bị chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm…
Theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, các cơ sở y tế công lập có nhiều hình thức xã hội hóa thiết bị y tế, như đối tác và bệnh viện sử dụng tài sản để liên doanh liên kết; đối tác lắp đặt trang thiết bị, bệnh viện tổ chức cung cấp dịch vụ; đối tác và bệnh viện góp vốn bằng tiền để mua trang thiết bị. Theo thông tin của Sở Y tế TP.HCM, riêng tại Thành phố, đã có hàng chục bệnh viện với gần 100 đề án thực hiện hình thức đối tác lắp đặt trang thiết bị, bệnh viện cung cấp dịch vụ.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, các bệnh viện công lập lớn hiện nay tại khu vực miền Nam như Cần Thơ, Long An, Đồng Nai… đều đã và đang xây dựng đề án xã hội hóa trang thiết bị y tế, trong đó việc kêu gọi tư nhân tham gia bỏ vốn, bỏ thiết bị đầu tư là nội dung quan trọng rất được các bệnh viện tập trung xây dựng.
Chỉ định nhà đầu tư: căn nguyên lợi ích nhóm
Thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy, trong số gần 2.000 trang thiết bị y tế được xã hội hóa của cả nước thì 38% không có đề án, bệnh viện tự lắp đặt rồi thông báo bảo hiểm thanh toán. Có tới 60% máy cho thuê mượn không có đề án. Theo các chuyên gia về bảo hiểm y tế, xã hội hóa trang thiết bị y tế như hiện nay là rất tự phát, không có sự chuẩn hóa và tính toán đồng bộ. Do đó, những hạn chế của hình thức này là việc xác định giá trị về năng lực, uy tín, chất lượng của cơ sở y tế để xác định tỷ lệ góp vốn chưa được hướng dẫn cụ thể.
Khuyến cáo của nhiều Sở Y tế, đặc biệt là Sở Y tế TP.HCM đều cho biết, hầu hết các đơn vị bệnh viện hiện nay đều không tổ chức lựa chọn đối tác mà chỉ định đối tác. Theo đó, cách làm này đã dẫn đến sự thiếu cạnh tranh và minh bạch khi xã hội hóa thiết bị y tế. Đó là chưa kể, giá thu cao do phải gánh chi phí lãi suất của nhà đầu tư, dễ phát sinh lợi ích nhóm, lạm dụng chỉ định các dịch vụ kỹ thuật xã hội hóa để thu hồi vốn nhanh. Trong khi ngân sách khó khăn thì đây là hình thức xã hội hóa dễ thu hút vốn nhất, tuy nhiên, do cơ chế chưa hoàn thiện, bệnh viện nôn nóng có trang thiết bị phụ vụ cho bệnh nhân mà không quan tâm đến hiệu quả kinh tế, quản lý chưa chặt chẽ, giám sát không tốt đã làm cho hình thức dễ nảy sinh tiêu cực.
Các chuyên gia về y tế cho biết, khi tiến hành liên danh, liên kết thì hai bên phải xác định giá trị tài sản mỗi bên để làm cơ sở tính tỷ lệ góp vốn. Trong khi đó, các bệnh viện hiện không thành lập hội đồng để thẩm định giá trị trang thiết bị của đối tác đặt tại đơn vị mình và thẩm định giá trị về năng lực, uy tín, chất lượng của đơn vị khi tham gia liên doanh, liên kết. Do đó, nhiều chuyên gia nhận định, chỉ đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư cung cấp thiết bị y tế mới đem lại hiệu quả bền vững. “Đấu thầu rộng rãi sẽ lựa chọn được đối tác có giá trị trang thiết bị phù hợp (vì liên quan đến tỷ lệ góp vốn), đối tác đồng ý giá thu hợp lý (liên quan đến người bệnh) và thời gian hoàn vốn theo quy định (liên quan đến xác định giá thu). Nếu lựa chọn được đối tác thỏa mãn các tiêu chí trên thì quyền lợi của bệnh nhân đạt tối ưu”, Sở Y tế TP.HCM khẳng định.