Đổi mới sáng tạo, mệnh lệnh phát triển

(BĐT) - Lịch sử phát triển của đất nước là sự tiếp nối không ngừng những hoạt động đổi mới sáng tạo. Trong bất cứ thời kỳ nào, mỗi khi xuất hiện những khó khăn, chúng ta lại bùng lên nhiều ý tưởng mới, đầy sức sáng tạo, mang đến sự đổi thay tích cực.

Ông Kim Ngọc - Chính ủy Quân khu Việt Bắc sau là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã đi vào lịch sử của đổi mới sáng tạo Việt Nam khi góp phần tháo bỏ cơ chế kìm hãm sức sản xuất của cả một nền nông nghiệp. Sáng kiến "khoán hộ" hay "Cải tiến công tác quản lý lao động hợp tác xã" năm 1966 của ông đã dẫn đến "khoán 10" hay Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1988. Nghị quyết đã rũ bỏ sự ràng buộc, kìm hãm của cơ chế quản lý lạc hậu, đưa Việt Nam bao năm thiếu ăn trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới. Nghị quyết 10 được dựa trên những kinh nghiệm đúc kết của nhiều tỉnh thành Việt Nam đã âm thầm áp dụng khoán hộ của ông Kim Ngọc.

Đánh giá về “khoán 10”, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã nói, bài học về khoán hộ mãi còn giá trị, không phải ở cách cụ thể mà đồng chí Kim Ngọc giải quyết, mà là ở chỗ ông đồng cảm sâu sắc trước tình cảnh đói nghèo của người dân, cùng đau nỗi đau của họ và dám tháo bỏ những quy định mà thực tiễn đã chứng tỏ không phù hợp để thúc đẩy phát triển. 

Đứng trước tình trạng nghèo đói, tụt hậu và những bất cập dồn tích trong nhiều năm của cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp…, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986 đã đi đến quyết định vô cùng quan trọng: đổi mới toàn diện và mở cửa nền kinh tế đất nước. Có thể nói đây là một cuộc cách mạng về tư duy làm thay đổi vận mệnh của dân tộc Việt Nam.

Chúng ta đã chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung chỉ có hai thành phần kinh tế sang mô hình mới - kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Đây là đổi mới căn bản mà ý nghĩa sâu xa của nó là tôn trọng quy luật khách quan về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Cuộc cách mạng tư duy đã giúp Việt Nam ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài nhiều năm. Cùng với tăng trưởng kinh tế, trong thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã chú ý đến việc thực hiện chính sách công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện một bước đáng kể. 

Bước vào thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XXI, thế giới đang đi vào trung tâm của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Không một chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới nào có thể đưa ra nhận định 2 năm tới kinh tế toàn cầu sẽ có diện mạo ra sao do tốc độ, sự đa dạng của cuộc cách mạng này mang lại. Sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt mỗi quốc gia, mỗi tập đoàn kinh tế, mỗi doanh nghiệp, hay mỗi cá nhân đứng trước lựa chọn: đổi mới sáng tạo để thích nghi, tồn tại, phát triển hay đứng yên để tụt hậu, bị bật ra khỏi cuộc chơi toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã xốc lại tinh thần và khởi xướng công cuộc đổi mới sáng tạo một cách mạnh mẽ. Trong năm 2017, một trong những thông điệp được Chính phủ truyền đạt nhiều nhất đó là đổi mới sáng tạo bên cạnh kiến tạo, hành động và liêm chính.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã không ngừng truyền cảm hứng về đổi mới sáng tạo đến cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân. Phát biểu chỉ đạo tại nhiều diễn đàn, Thủ tướng luôn khẳng định, đổi mới sáng tạo tạo động lực cho sự phát triển của xã hội. Trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và bối cảnh thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quốc gia nào có năng lực đổi mới sáng tạo cao sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh và bền vững.

Cùng với các thông điệp do người đứng đầu Chính phủ phát đi, Chính phủ kiến tạo và hành động đã tích cực triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, tạo môi trường cho các ý tưởng kinh doanh mới phát triển. Hàng loạt rào cản kinh doanh được gỡ bỏ, những thể chế mới mang tính cách mạng về thay đổi tư duy phát triển được xây dựng như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Quy hoạch và nhiều đạo luật quan trọng khác được Quốc hội thông qua. Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng chuẩn bị được thông qua nhằm mở đường cho các cực tăng trưởng mới…

Mỗi cuộc đổi mới sáng tạo đều đứng trước không ít thách thức, khó khăn và rào cản. Để đi tới thành công, đòi hỏi trí tuệ, bản lĩnh và sự dấn thân của người đứng đầu, sẵn sàng bảo vệ và đấu tranh vì cái mới, cái có ích cho dân tộc và đất nước, cho doanh nghiệp, cho người lao động, cho mỗi người dân.

Đổi mới sáng tạo chính là mệnh lệnh của sự phát triển, đi lên.

Tin cùng chuyên mục