Đơn hàng dồi dào, xuất khẩu tăng tốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hoạt động xuất khẩu (XK) cả nước tiếp tục khởi sắc trong 9 tháng đầu năm 2024, với kim ngạch XK đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Đơn hàng dồi dào từ nhiều ngành hàng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng XK và giúp duy trì cán cân thương mại thặng dư.
36% số doanh nghiệp được khảo sát dự kiến đơn hàng xuất khẩu mới quý IV tăng so với quý III. Ảnh: Nhã Chi
36% số doanh nghiệp được khảo sát dự kiến đơn hàng xuất khẩu mới quý IV tăng so với quý III. Ảnh: Nhã Chi

Đơn hàng tiếp tục được cải thiện

Cục Thống kê TP. Hà Nội cho biết, trong quý III/2024, ngành công nghiệp Thủ đô có nhiều điểm sáng khi số lượng đơn hàng sản xuất trong nước và XK nhiều hơn. Ước tính, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III/2024 của TP. Hà Nội tăng 6,28% so với cùng kỳ năm 2023.

Tại TP.HCM, Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố Nguyễn Khắc Hùng cho biết, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn ghi nhận số lượng đơn hàng ổn định từ nay đến cuối năm 2024, thậm chí một số đơn hàng kéo dài đến quý I/2025.

Nhiều DN XK các ngành hàng như dệt may, da giầy, thủy sản, hoa quả, điện tử… cũng ghi nhận tình hình đơn hàng tích cực và kết quả kinh doanh khả quan. Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công cho biết đã và đang nhận khoảng 92% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý IV/2024 và khoảng 90% kế hoạch doanh thu đơn hàng 2024. Tại Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Công ty ghi nhận doanh số ước đạt gần 187 triệu USD, tương đương 4.510 tỷ đồng, qua đó hoàn thành 89% mục tiêu đề ra.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2024 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, có 33,3% số DN được điều tra có đơn đặt hàng quý III/2024 cao hơn quý II/2024; 44,1% có số đơn đặt hàng ổn định và 22,6% có đơn đặt hàng giảm. Về xu hướng quý IV/2024 so với quý III/2024, có 40,5% số DN được điều tra dự kiến có đơn hàng tăng; 43,3% dự kiến có đơn hàng ổn định và 16,2% dự kiến đơn hàng giảm.

Với đơn đặt hàng XK quý III/2024 so với quý II/2024, có 29,8% số DN được khảo sát khẳng định số đơn hàng XK mới cao hơn; 48,0% có đơn hàng XK mới ổn định và 22,2% có đơn hàng XK mới giảm. Về xu hướng quý IV/2024 so với quý III/2024, có 36,0% số DN dự kiến tăng đơn hàng XK mới; 47,6% dự kiến ổn định và 16,4% dự kiến giảm.

Tổng cục Thống kê cho hay, cán cân thương mại 9 tháng đầu năm 2024 thặng dư 20,79 tỷ USD, nghiêng về XK.

Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, trong đó có các DN XK vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Số liệu của Tổng cục Thống kê chỉ ra, trong 9 tháng năm nay vẫn có tới 163.761 DN rút lui khỏi thị trường, riêng tháng 9/2024 có gần 13.250 DN rút lui khỏi thị trường.

Chia sẻ tại một hội thảo tổ chức mới đây, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, DN dệt may vẫn phải chịu nhiều áp lực khi thị trường chưa có cải thiện đáng kể. Trong đó, ngành may mặc gặp áp lực về thời gian giao hàng, đơn giá chưa cải thiện, chất lượng sản phẩm yêu cầu khắt khe hơn. Với ngành sợi, DN gặp nhiều khó khăn, bất lợi do phải đối mặt với sự trồi sụt của giá bông và chưa có sự cải thiện về giá bán sợi...

Với DN XK thép, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong bối cảnh cầu thị trường trong nước khó khăn, nhiều DN đã thúc đẩy XK hàng hóa. Tuy nhiên, hoạt động XK đối diện với không ít trở ngại khi nhiều nước dựng “hàng rào” kỹ thuật đối với thép nhập khẩu bằng cách đưa ra những tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng khắt khe; bị kiện bán phá giá…

Ở trong nước, cơn bão số 3 khiến nhiều DN bị thiệt hại nặng nề, tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất và XK. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), bão số 3 khiến 2 trong tổng số 3 nhà máy của Công ty TNHH Việt Trường tại Hải Phòng bị ảnh hưởng nặng với tổng thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng, làm chậm thời gian giao hàng đến khách hàng…

Tuy vậy, phần lớn các ý kiến nhận định, cơ hội tăng tốc XK những tháng cuối năm 2024 đang rất lớn, bởi theo chu kỳ thì nhu cầu hàng hóa và tiêu dùng sẽ tăng vào thời điểm cuối năm. Các thị trường XK chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU… cũng đang ấm dần và tăng trưởng trở lại. Ngoài việc mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện giải pháp hỗ trợ DN, bản thân các DN cũng phải chủ động thích ứng với bối cảnh sản xuất - kinh doanh mới để tối ưu hóa hoạt động, nâng cao sức cạnh tranh (tăng cường chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đa dạng hóa sản phẩm…).

Tin cùng chuyên mục