Dồn lực đầu tư cho cao tốc Bắc - Nam phía Đông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 2020 là năm có nhiều dấu ấn đối với các dự án thành phần trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông khi 6 trong số 11 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công đã lựa chọn được nhà thầu, đưa vào triển khai đồng loạt nhiều gói thầu lớn.
6 trong số 11 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được đầu tư hoàn toàn bằng vốn ngân sách. Ảnh: Lê Tiên
6 trong số 11 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được đầu tư hoàn toàn bằng vốn ngân sách. Ảnh: Lê Tiên

Đường bộ cao tốc Bắc - Nam là dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong giai đoạn 2017 - 2020, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông với 654 km đường bộ cao tốc, gồm 11 dự án thành phần.

Tuy nhiên, thực tế đã phát sinh một số yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tính khả thi triển khai các dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP, đặc biệt là việc huy động vốn tín dụng gặp rất nhiều khó khăn. Với mục tiêu tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần từ phương thức PPP sang đầu tư công. Tính đến thời điểm hiện tại, 6 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được đầu tư hoàn toàn bằng vốn ngân sách nhà nước.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của Dự án, thời gian qua, Bộ đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan, tập trung mọi nguồn lực để tổ chức triển khai Dự án. Đến nay, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao 600 km/654 km (đạt khoảng 92%). Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để triển khai thi công, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án thành phần.

Đối với 3 dự án thành phần đầu tư công đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công những gói thầu đầu tiên từ tháng 9/2019. Đến nay, 16 trong số 17 gói thầu đã triển khai thi công (còn lại 1 gói thầu trụ tháp, dầm dây văng thuộc Dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ triển khai thi công sau khi hoàn thành kết cấu phần dưới). Khối lượng giải ngân đến nay đạt khoảng 4.747,6 tỷ đồng, đạt 93,3% số vốn được giao (5.088 tỷ đồng). Bộ GTVT đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác 2 dự án thành phần đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn trong năm 2021; cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2023.

Đối với 3 dự án thành phần chuyển đổi sang đầu tư công (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây), hiện đã triển khai thi công 11 trong số 13 gói thầu; phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác cuối năm 2022.

Đối với 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP, theo kết quả đấu thầu đến thời điểm hiện tại, 3 dự án có nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật (gồm các đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo); 2 dự án thành phần còn lại không lựa chọn được nhà đầu tư (đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu). Đối với 3 dự án có nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, bên mời thầu đã tổ chức đánh giá về mặt tài chính - thương mại. Đến nay, Bộ GTVT đã phê duyệt kết quả trúng thầu 1 dự án (đoạn Nha Trang - Cam Lâm).

Đối với 2 dự án thành phần còn lại không lựa chọn được nhà đầu tư, Chính phủ đã có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư. Việc chuyển đổi sang đầu tư công các đoạn tuyến cao tốc bảo đảm chắc chắn triển khai thành công Dự án, giảm tổng mức đầu tư do giảm chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng. Bên cạnh đó, việc phát hành trái phiếu chính phủ để triển khai đầu tư công trong giai đoạn hiện nay sẽ rất hiệu quả do lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động vốn tín dụng. Mặt khác, sau khi dự án hoàn thành, Chính phủ sẽ xây dựng phương án thu hồi vốn (tương tự như cơ chế đối với 6 dự án đầu tư công trước đó). Mặc dù chưa thể bù đắp ngay cho ngân sách nhà nước trong giai đoạn trước mắt, nhưng về lâu dài cơ chế này sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, phục vụ nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng trong các giai đoạn tiếp theo.

Theo ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư thuộc Bộ GTVT, việc hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và khởi công nhiều đoạn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong năm 2020 là những dấu ấn lớn của ngành GTVT. Việc hoàn thành và đưa vào khai thác Dự án càng sớm càng có ý nghĩa đối với tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đất nước chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.

Trong giai đoạn trước mắt, việc khởi công các dự án sẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, giải quyết công việc và nguồn thu nhập đối với người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước trực tiếp thi công xây dựng dự án..., góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Về lâu dài, việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án sẽ là sự chuẩn bị tốt để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước, tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo. Quá trình triển khai và đẩy nhanh tiến độ Dự án sẽ tạo tác động lan tỏa, phát triển kinh tế nhanh, bền vững trong trung và dài hạn, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước đang tập trung mọi giải pháp để phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục