Dự án BT chống ngập tại TP.HCM gần 10.000 tỷ đồng: Nguy cơ thành dự án treo

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 theo hình thức BT (Dự án BT chống ngập tại TP.HCM) được khởi công từ tháng 6/2016, có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Dự án này đang đứng trước nguy cơ đình trệ, bế tắc, thậm chí trở thành dự án treo với quá nhiều vướng mắc. Đại diện nhà đầu tư - Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 đang “kêu cứu”.

Khối lượng thực hiện 7 gói thầu xây dựng chính của Dự án BT chống ngập tại TP.HCM đã đạt 95%. Ảnh: Lê Tiên
Khối lượng thực hiện 7 gói thầu xây dựng chính của Dự án BT chống ngập tại TP.HCM đã đạt 95%. Ảnh: Lê Tiên

Thi công gần xong, dự án lại “án binh bất động”

Theo tiến độ ban đầu, Dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2018, sau đó do nhiều vướng mắc về vốn, mặt bằng nên phải ngưng thi công liên tục trong 10 tháng. Được tái khởi động vào tháng 2/2019 và điều chỉnh thời gian hoàn thành đến tháng 6/2019, tuy nhiên, Dự án lại đang “dẫm chân tại chỗ” và hiện chưa có lối ra khả quan dù khối lượng thi công sắp hoàn thành.

“Dự án đang có nguy cơ tạm dừng do chưa được ký kết phụ lục hợp đồng BT gia hạn thời gian hoàn thành Dự án (đã hết hạn ngày 26/6/2020), nên nguồn vốn của Dự án (do Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn) sẽ không thể gia hạn thời gian giải ngân (đã hết hạn từ ngày 31/8/2020)”, ông Nguyễn Tâm Tiến, đại diện Nhà đầu tư Dự án cho biết.

Tại dự án này, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng trung gian tiếp nhận nguồn vốn tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước để cho vạy. Tính đến thời điểm hiện tại, Dự án đã được BIDV cấp vốn hơn 7.094 tỷ đồng, tương ứng khoảng 80% giới hạn số tiền cho vay được phê duyệt, dư nợ đến hạn phải trả vào ngày 15/11/2020 là hơn 2.639 tỷ đồng. BIDV và nhà đầu tư đã gửi công văn cho UBND TP.HCM về việc bố trí vốn thanh toán dư nợ đến hạn phải trả này trong tháng 11/2020.

Về giá trị thực hiện, khối lượng xây dựng chính (7 gói thầu xây dựng chính của Dự án) đã đạt 95%. Phần thiết bị cơ khí thủy công (9 gói thầu sản xuất và lắp đặt cơ khí cửa van) đạt 950/987 tỷ đồng, bằng 96%. Tổng giá trị dự án đạt 8.138/9.566 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay), đạt khoảng 85% tổng mức đầu tư.

Cụ thể, hạng mục cống Bến Nghé thi công xong phần thân cống, đang lắp đặt cửa van, đạt 94%. Cống Tân Thuận đã thi công hoàn thiện âu thuyền, buồng bơm, bến neo, trụ cáp, cầu công tác, dầm van, đã lắp đặt cửa van chính của cống, đạt 96%. Cống Phú Xuân đạt 97% do thi công xong phần trụ pin, trụ tháp, dầm van, cầu công tác, cửa van. Cống Mương Chuối đạt 92%, thi công xong các trụ pin, tháp van, âu thuyền, dầm đáy, 4 cửa van chính; cống Cây Khô đạt 91%, cống Phú Định đạt 96%. Riêng hạng mục đê/kè đạt 85% và đã thi công các tuyến đê bao 1, 2, 3 và hoàn thiện tuyến 4.

Phần giá trị dở dang do chưa gia hạn giải ngân tái cấp vốn là khoảng 450 tỷ đồng.

Ách ở khâu nào?

“UBND TP.HCM đến nay vẫn chưa có thông tin rõ ràng về việc thanh toán quỹ đất cho Nhà đầu tư theo quy định của Hợp đồng BT đã ký kết, dù liên tục tổ chức nhiều cuộc họp, có chỉ đạo từng bộ phận tháo gỡ vướng mắc”, ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, theo chỉ đạo của Chính phủ, cho phép UBND TP.HCM thanh toán cho Nhà đầu tư dự án chống ngập do triều bằng đất, hết đất thì trả bằng tiền. Trong quá trình thực hiện Dự án, UBND TP.HCM tiếp tục báo cáo Chính phủ đề xuất được trả 15% giá trị hợp đồng bằng đất, 85% còn lại trả bằng tiền. UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Tổ đàm phán làm việc với Nhà đầu tư, đàm phán trả cho Nhà đầu tư khoảng 16% giá trị hợp đồng bằng đất, còn lại 84% trả bằng tiền. Quỹ đất UBND TP dành cho Dự án đã có nhưng đến thời điểm này, khi Dự án đã dần hoàn thành, Nhà đầu tư nhiều lần yêu cầu bàn giao quỹ đất nhưng UBND TP chưa giao đất. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM tiếp tục “băn khoăn” về cơ sở thanh toán 84% giá trị hợp đồng bằng tiền và chưa sẵn sàng cho việc tái ký gia hạn hợp đồng BT này.

Từ những nguyên nhân dẫn tới chậm ký kết Phụ lục hợp đồng này, Nhà đầu tư cho biết thiệt hại ước tính mỗi ngày khoảng 200 triệu đồng. Trong trường hợp không tìm ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc, Nhà đầu tư chỉ có thể cầm cự tối đa 2 tháng.

Trong khi đó, tình hình thực hiện Dự án kéo dài, chi phí lãi vay và các chi phí theo thời gian phát sinh hàng ngàn tỉ đồng, những phát sinh không hợp lý sẽ dẫn đến vượt thẩm quyền giải quyết của UBND TP.HCM.

Bên cạnh đó, với việc Ngân hàng Nhà nước dừng giải ngân tái cấp vốn hơn 1.800 tỷ đồng còn lại cho Dự án và tình trạng chậm giải quyết thủ tục của Thành phố thì việc tìm nguồn vốn khác sẽ không khả thi, Dự án sẽ đi đến bế tắc vì không có nguồn vốn để hoàn thành. Bảo hiểm của Dự án đã hết hạn và nguy cơ mất an toàn công trình giao thông thủy... sẽ rất cao và thiệt hại rất lớn.

"Chúng tôi đã có văn bản gửi UBND TP.HCM xin được bàn giao lại hiện trạng Dự án trong trường hợp những vướng mắc không được nhanh chóng giải quyết. Với nguồn lực hiện tại của TP.HCM, việc mua lại toàn bộ Dự án chống ngập do triều cường là rất khó khả thi, đồng nghĩa với việc Dự án đứng trước nguy cơ trở thành dự án treo” - Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho biết.

Tin cùng chuyên mục