Dự án điện khí LNG Quảng Ninh hơn 47.000 tỷ đồng: 3 nhà đầu tư bị loại vì không đáp ứng 10 cam kết

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh mặc dù nhận được sự quan tâm của 4 nhà đầu tư quốc tế nhưng phần lớn chùn chân bởi những điều kiện rất chặt chẽ được đưa ra tại yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm. Liên danh nhà đầu tư duy nhất vượt qua bước đánh giá sơ bộ trước đó đã ký biên bản ghi nhớ về việc phát triển dự án này.
Một trong những thách thức lớn khi triển khai các dự án điện khí là phải hoàn tất hợp đồng mua bán điện. Ảnh minh họa: St
Một trong những thách thức lớn khi triển khai các dự án điện khí là phải hoàn tất hợp đồng mua bán điện. Ảnh minh họa: St

Là dự án điện đầu tiên sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) nhập khẩu tại miền Bắc, Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh chứng tỏ được sức hút khi có tới 4 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện gồm: Sojitz Corporation; China Power International Holding Limited; Liên danh Jaks Resources Berhad - TNB Power Generation Sdn. Bhd; Liên danh Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) - Công ty CP Cơ khí và Lắp máy Việt Nam (Colavi) - Tokyo Gas - Marubeni.

Theo hồ sơ yêu cầu sơ bộ, ngoài việc đáp ứng năng lực, kinh nghiệm, nhà đầu tư phải có đầy đủ 10 cam kết (đưa ra ở mục “các tiêu chí khác”) nếu muốn thực hiện Dự án.

Ngoài cam kết không khiếu kiện trong trường hợp có thay đổi, điều chỉnh các nội dung yêu cầu với nhà đầu tư hoặc hủy bỏ kết quả lựa chọn nhà đầu tư vì lý do an ninh quốc phòng, thì một số cam kết khác được đánh giá là không dễ đáp ứng. Đó là, nhà đầu tư phải cam kết không yêu cầu bảo lãnh hợp đồng mua bán điện (PPA), thu mua sản lượng điện sản xuất, cam kết tự thỏa thuận đàm phán PPA với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Nhà đầu tư phải cam kết không mua bán, chuyển nhượng Dự án dưới bất cứ hình thức nào trong thời gian triển khai đến khi đưa Nhà máy vào vận hành phát điện thương mại. Trường hợp vi phạm thì thu hồi Dự án mà không bồi thường. Nhà đầu tư phải cam kết tiến độ đầu tư hoàn thành đưa Dự án vào hoạt động trong quý III/2027. Trường hợp không triển khai đúng tiến độ, Dự án sẽ bị thu hồi và không được bồi thường, trừ việc bất khả kháng theo quy định của pháp luật…

Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh được thực hiện tại khu đất có diện tích 55,89 ha, gồm 42,51 ha đất và 13,38 ha mặt nước (chưa bao gồm vùng nước trước bến, luồng và khu quay trở tàu) tại phường Cẩm Thịnh, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện Dự án là 47.350 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự kiến là 130 tỷ đồng.

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, hiện Việt Nam chưa có dự án điện khí LNG nào được khởi công xây dựng. Một trong những thách thức lớn khi triển khai các dự án này là phải hoàn tất các hợp đồng liên quan tới hoạt động của nhà máy, đáng chú ý nhất là hợp đồng PPA. Nhìn vào thực tế đàm phán PPA của Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu (được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 1/2020), nhà đầu tư có 12 tháng để hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư và khởi công dự án dự kiến vào đầu năm 2021, nhưng việc đàm phán hợp đồng vẫn chưa đi tới thống nhất. Mới đây, UBND tỉnh Bạc Liêu kiến nghị đưa Dự án vào danh mục dự án cần tháo gỡ khó khăn.

Quay trở lại với Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh, việc yêu cầu tiến độ triển khai đầu tư xây dựng từ quý II/2022 và cam kết thời gian hoàn thành Dự án là thách thức không nhỏ đối với nhà đầu tư.

Trong số 4 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án thì có tới 3 nhà đầu tư không thể vượt qua đánh giá sơ bộ vì thiếu các cam kết nêu trên, hoặc có cam kết nhưng chưa phù hợp. Theo kết quả công khai, China Power International Holding Limited và Liên danh Jaks Resources Berhad - TNB Power Generation Sdn. Bhd chưa có cam kết đối với “các tiêu chí khác” theo yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm. Nhà đầu tư Sojitz Corporation đã có cam kết đối với “các tiêu chí khác” nhưng chưa phù hợp (nhà đầu tư vẫn nêu nội dung cần phải đàm phán với các ngân hàng và định chế tài chính quốc tế để có thể thực hiện Dự án).

Liên danh PV Power - COLAVI - Tokyo Gas - Marubeni là nhà đầu tư duy nhất đạt đánh giá sơ bộ và sẽ nộp hồ sơ trình chấp thuận nhà đầu tư Dự án. Được biết, cuối năm 2020, liên danh 4 nhà đầu tư này đã ký biên bản ghi nhớ về việc phát triển Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 điều chỉnh (Quy hoạch điện VII điều chỉnh).

Tin cùng chuyên mục