Dự án đường dây 500 kV Tây Hà Nội - Thường Tín: Chậm do vướng mặt bằng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện Dự án Đường dây 500 kV Tây Hà Nội - Thường Tín đã chậm tiến độ 16 tháng so với kế hoạch do vướng mắc về mặt bằng thi công. Để tháo gỡ, các bên liên quan đang tích cực vận động người dân trên địa bàn 2 huyện thuộc TP. Hà Nội bàn giao mặt bằng, sớm đưa Dự án về đích, tránh nguy cơ thiếu điện. Trường hợp không vận động được người dân thì phải tính phương án bảo vệ thi công.
Dự án Đường dây 500 kV Tây Hà Nội - Thường Tín đã chậm tiến độ 16 tháng. Ảnh: EVNNPT
Dự án Đường dây 500 kV Tây Hà Nội - Thường Tín đã chậm tiến độ 16 tháng. Ảnh: EVNNPT

Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) - chủ đầu tư Dự án cho biết, theo kế hoạch, Dự án đóng điện vào tháng 3/2020. Song đến thời điểm này, Dự án chưa thể về đích do gặp vướng mắc trong công tác bồi thường hành lang tuyến.

Ông Phạm Xuân Hường, Trưởng ban Truyền thông thuộc EVNNPT cho hay, hiện khối lượng thi công đường dây 500 kV Tây Hà Nội - Thường Tín đã hoàn thành kéo dây được trên 90%, trong đó, phần móng và cột đã thi công xong 96/96 vị trí. Tuy nhiên, công trình đang vướng giải phóng mặt bằng tại khoảng cột 59 - 62 trên địa bàn xã Thanh Mai (huyện Thanh Oai) và khoảng cột 90 - 91 trên địa bàn xã Tiền Phong (huyện Thường Tín) do các hộ dân có đất ở nằm trong hành lang an toàn lưới điện không nhận tiền đền bù.

Theo thông cáo báo chí được EVNNPT phát đi cách đây ít ngày, Tổng công ty cho biết, trên địa bàn xã Thanh Mai (huyện Thanh Oai) hiện còn 6 hộ dân có đất ở nằm trong hành lang an toàn lưới điện không nhận tiền đền bù.

Nguyên nhân sâu xa của vướng mắc này là do năm 1994, UBND tỉnh Hà Tây có Quyết định số 57/QĐ-UB giao 6.500 m2 đất để giải quyết nhu cầu làm nhà ở cho nhân dân xã Thanh Mai. UBND xã Thanh Mai đã tổ chức thu tiền của 39 hộ gia đình (trong đó có 7 hộ nằm trong hành lang an toàn lưới điện). Trong quá trình thực hiện, một số hộ dân có đơn kiến nghị về việc giao đất không đúng quy định. Để giải quyết hài hòa lợi ích của người dân, quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng đã qua 3 lần chi trả tiền nhưng chỉ có 1 hộ nhận tiền. Các hộ còn lại không nhận với lý do đơn giá đền bù thấp.

Dự án Đường dây 500 kV Tây Hà Nội - Thường Tín là công trình năng lượng trọng điểm có tính cấp bách được khởi công xây dựng từ tháng 7/2018. Đường dây có chiều dài 40,7 km, điểm đầu từ trạm biến áp 500 kV Tây Hà Nội và điểm cuối là trạm biến áp 500 kV Thường Tín, đi qua các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai và Thường Tín. Mục tiêu đầu tư nhằm nâng cao chất lượng điện năng, bảo đảm cung cấp điện an toàn và tin cậy cho khu vực phía Tây TP. Hà Nội, giảm tải cho trạm biến áp 500 kV Thường Tín và các đường dây 220 kV trong khu vực.

Tại khoảng cột 90 - 91 trên địa bàn xã Tiền Phong (huyện Thường Tín) có 7 hộ dân phải thu hồi đất nằm trong hành lang an toàn. Tuy nhiên, do chưa có khu tái định cư nên chưa phê duyệt được phương án bồi thường, hỗ trợ các hộ dân nằm trong vùng Dự án phải di dời.

Theo ông Hường, việc lập, duyệt phương án bồi thường hay tái định cư là các địa phương làm, ngành điện chuyển trả tiền theo phương án đó. Vấn đề ở đây là đã trả tiền nhiều lần, vận động nhiều lần, song người dân không nhận tiền vì không chấp thuận. “Hiện các bên liên quan đang tiếp tục vận động người dân bàn giao mặt bằng để đưa Dự án về đích, nếu không vận động được thì phải tính tới phương án bảo vệ thi công”, ông Hường cho biết.

EVNNPT nhấn mạnh, nếu 10% khối lượng công việc kéo dây còn lại của Dự án không sớm được giải quyết thì công trình không thể đóng điện. Điều này đồng nghĩa với việc trạm biến áp 500 kV Tây Hà Nội cũng không thể nhận điện từ lưới 500 kV. Nút thắt này không được tháo gỡ sẽ ảnh hưởng xấu đến cung cấp điện cho Thành phố trong năm 2022.

Thực tế cho thấy, trong đợt nắng nóng cao điểm vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, sản lượng tiêu thụ điện trên địa bàn TP. Hà Hội liên tục lập kỷ lục buộc đơn vị điện lực địa phương phải thực hiện giải pháp điều chỉnh và tiết giảm phụ tải trong một số thời điểm.

Trong khi đó, dự báo thời gian tới có thể diễn ra những đợt nắng nóng cao điểm khác; lượng nước tại các hồ thủy điện xuống thấp; nhu cầu tiêu thụ điện cho quá trình phục hồi kinh tế tăng… Nếu Dự án tiếp tục chậm tiến độ, Hà Nội có thể phải đối điện với nguy cơ thiếu điện vào năm 2022.