CII đã tổ chức thi công đạt khoảng 76,7% khối lượng của toàn bộ Dự án. Ảnh: Nhã Chi |
Dự án này được triển khai từ năm 2015 nhưng đến nay, theo TP.HCM, cần đầu tư bổ sung một số công trình.
Thanh toán cho nhà đầu tư 9 lô đất
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM, dự án nói trên đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2014 theo loại hợp đồng BT. Dự án có tổng mức đầu tư được phê duyệt là 3.345 tỷ đồng vào năm 2015. Trong đó, tổng mức đầu tư theo hợp đồng BT là 2.641 tỷ đồng (không bao gồm lãi vay và dự phòng trượt giá).
Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, ngày 20/4/2016, UBND TP.HCM đã ký kết hợp đồng BT với nhà đầu tư - Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII).
Theo quy hoạch phân khu chi tiết tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được phê duyệt, Khu dân cư phía Bắc bao gồm khu chức năng số 3 và số 4 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm có diện tích đất khoảng 89,35 ha (trong đó diện tích đất khai thác khoảng 40,95 ha), với chức năng chính là nhà ở hỗn hợp, thương mại đa chức năng và một số công trình điểm nhấn, công cộng như trường học, nhà bảo tàng, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, cơ quan hành chính địa phương.
Tại thời điểm ký hợp đồng, Dự án bao gồm các hạng mục: Xây dựng đường trục Bắc - Nam (đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ) dài khoảng 1.097 m; xây dựng các tuyến đường nội bộ trong phạm vi khu chức năng số 3 và số 4, tổng chiều dài khoảng 8.341 m; xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với xây dựng đường, gồm: hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thoát nước thải, hệ thống cấp nước, hệ thống cấp điện, hệ thống chiếu sáng, hệ thống thông tin liên lạc, hào kỹ thuật, cây xanh. Cùng với Dự án Đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính, Dự án Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông, dự án nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết, Nhà đầu tư sẽ huy động vốn (bao gồm cả vốn tự có và vốn vay theo quy định) để thực hiện Dự án. Thành phố sẽ thanh toán cho Nhà đầu tư 9 lô đất (ký hiệu 1-18, 3-1, 3-2, 3-6, 3-13, 3-15, 3-16, 4-7 và 4-8, với tổng giá trị quyền sử dụng được phê duyệt là 2.855 tỷ đồng) trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm để Nhà đầu tư thực hiện dự án khác.
Yêu cầu điều chỉnh Dự án một cách công khai, cạnh tranh
Dự án đã được khởi công từ năm 2015, đến nay, CII đã tổ chức thi công trên tất cả các mặt bằng nhận bàn giao (đạt khoảng 76,7% khối lượng của toàn bộ Dự án). Phần chưa thi công là do vướng mặt bằng và các hạng mục chưa thực hiện trong giai đoạn này. Riêng tuyến đường trục Bắc - Nam đã thông xe toàn tuyến từ năm 2016.
Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết, năm 2016, để thuận lợi về mặt kỹ thuật, tiết kiệm chi phí, đảm bảo chất lượng và an toàn trong thi công xây dựng công trình, nhanh chóng hoàn thành toàn bộ công trình hạ tầng kỹ thuật, TP.HCM đã kiến nghị bổ sung công trình xây dựng 4 cầu, công trình nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào Dự án. Ngày 24/5/2018, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo đó yêu cầu TP.HCM thực hiện việc điều chỉnh bổ sung Dự án cần công khai, cạnh tranh theo hướng thị trường, đúng quy định của pháp luật, không để thất thoát tài sản của Nhà nước.
Tháng 8/2018, TP.HCM giải trình và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao cho CII tiếp tục triển khai Dự án điều chỉnh. Theo đó, phương án thanh toán hợp đồng BT dự kiến như sau: Thành phố không bổ sung quỹ đất để thanh toán bù trừ cho Nhà đầu tư tại thời điểm ký phụ lục hợp đồng; việc thanh toán bù trừ được thực hiện tại thời điểm quyết toán dự án BT hoàn thành theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo hồ sơ điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi do Nhà đầu tư lập, các nội dung điều chỉnh bao gồm: giảm một số hạng mục đã được duyệt trước đây như trạm xử lý nước thải, không đầu tư và điều chỉnh một số tuyến đường như R7’, N1’, N2’… cùng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác có liên quan; điều chỉnh biện pháp tổ chức thi công cầu Cá Trê (từ thi công dưới nước thành trên cạn), không sử dụng dự phòng chênh lệch mức lương. Phương án này giảm 1.200 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt trước đây, trong đó, chi phí xây dựng giảm khoảng 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc bổ sung công trình xây dựng 4 cầu, nạo vét rạch, đào hồ… phát sinh chi phí xây dựng khoảng 2.000 tỷ đồng.
Theo tính toán của TP.HCM, mức đầu tư được phê duyệt trước điều chỉnh là 3.345 tỷ đồng. Theo hồ sơ do Nhà đầu tư lập, tổng mức đầu tư Dự án sau khi điều chỉnh là 4.876 tỷ đồng. Như vậy, giá trị quỹ đất (9 lô đất) chưa đảm bảo tương đương với tổng mức đầu tư điều chỉnh.