Dự án Hồ chứa nước Đông Thanh (Lâm Đồng): Tìm cách thoát cảnh “tiến thoái lưỡng nan”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời điểm mùa khô hiện rất thuận lợi cho việc thi công công trình, nhất là đắp đập để đảm bảo an toàn chống lũ tiểu mãn và mùa mưa năm 2024. Tuy nhiên, việc triển khai Dự án Xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) với tổng mức đầu tư 494,105 tỷ đồng không thể “nhúc nhích”, trong khi khối lượng công việc tồn đọng rất lớn.
Kể từ sau sự cố sạt trượt, sụt lún đất, Dự án Xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng phải tạm dừng thi công. Ảnh: Bình An
Kể từ sau sự cố sạt trượt, sụt lún đất, Dự án Xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng phải tạm dừng thi công. Ảnh: Bình An

Ngày 16/2/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi các đơn vị liên quan đến Dự án Xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh, trong đó chỉ đạo Thanh tra Tỉnh khẩn trương thanh tra toàn diện Dự án để Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thực hiện các bước tiếp theo, đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ thực hiện công trình trong năm 2024.

Trong mùa mưa 2023, tại vị trí gần khu vực thi công hồ chứa nước Đông Thanh đã xảy ra sự cố sạt trượt, sụt lún đất. Hiện tượng sạt trượt này khiến cụm công trình đầu mối của Dự án (đập xả tràn, dốc nước, cống lấy nước…) bị hư hỏng cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong quá trình thi công, vận hành, buộc UBND Tỉnh phải chỉ đạo tạm dừng thi công Dự án.

Đây là công trình đầu mối cấp II, hệ thống kênh cấp IV do UBND huyện Lâm Hà làm Chủ đầu tư, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Lâm Hà quản lý. Khi hoàn thành, công trình dự kiến cung cấp nước tưới cho 700 ha đất canh tác cà phê, dâu tằm, hồ tiêu; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 7.500 hộ dân; cải tạo môi trường kết hợp nuôi trồng thủy sản và tạo cảnh quan môi trường phát triển du lịch.

Trong tổng mức đầu tư 494,105 tỷ đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là 180 tỷ đồng, chi phí xây dựng 210 tỷ đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng 23,5 tỷ đồng, chi phí dự phòng 53,25 tỷ đồng… Công trình được khởi công ngày 2/5/2021, dự kiến hoàn thành trong năm 2024, trong đó cụm công trình đầu mối hoàn thành ngày 22/6, hệ thống kênh mương hoàn thành ngày 10/6. Dự án được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt gồm 24 gói thầu.

Đến ngày 30/6/2023 - trước khi xảy ra sự cố sạt trượt, sụt lún phía vai phải đập, UBND huyện Lâm Hà đã tổ chức thi công đạt trên 80% khối lượng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc thực hiện Dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc, trong khi khối lượng còn lại của các gói thầu là không nhỏ.

Cụ thể, Gói thầu số 13 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị cụm công trình đầu mối và công trình quản lý vận hành (145,229 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ ngày 23/12/2023 - 22/6/2024) có khối lượng thực hiện đạt khoảng 85% giá trị hợp đồng, phần còn lại khoảng 21,8 tỷ đồng, trong đó hạng mục đập đất 3,1 tỷ đồng, hạng mục quan trắc đập và thiết bị điện 9,2 tỷ đồng, hạng mục ngập và đường thi công kết hợp quản lý 9,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, các hạng mục này đang tạm dừng thi công do ảnh hưởng của sự cố sụt lún, sạt trượt đất, tiến độ thực hiện phụ thuộc hoàn toàn vào tiến độ xử lý sự cố.

Đối với Gói thầu số 18 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị hệ thống kênh và công trình trên kênh (72,051 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ ngày 10/1/2023 - 10/6/2024), đến nay chưa triển khai thực hiện do chưa có mặt bằng. Do đó, việc hoàn thành Gói thầu trong tháng 6/2024 là rất khó khăn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Công ty CP Đầu tư và Xây dựng thủy lợi Lâm Đồng - nhà thầu tham gia thực hiện 2 gói thầu trên xác nhận: “Đúng là việc triển khai thực hiện Gói thầu số 13 và Gói thầu số 18 đang gặp nhiều khó khăn. Nếu những vướng mắc không sớm được giải quyết thì rủi ro với nhà thầu thi công là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh giá vật tư, thiết bị, nhân công… liên tục có những diễn biến bất lợi”.

Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện một số gói thầu tư vấn đầu tư xây dựng cũng chậm so với kế hoạch do phụ thuộc vào tiến độ 2 gói thầu (số 13 và 18)…

Nguồn tin của Báo Đấu thầu cho biết, Dự án đang bị “kẹt” về tiến độ, thậm chí “tiến thoái lưỡng nan” do muốn dừng thực hiện cũng không được mà làm tiếp cũng không thể. Các gói thầu vẫn phải chờ đợi kết luận thanh tra để có hướng triển khai tiếp theo.

Để tháo gỡ vướng mắc, Sở NN&PTNT đề nghị UBND Tỉnh chỉ đạo Thanh tra Tỉnh sớm có kết luận thanh tra để UBND huyện Lâm Hà có cơ sở triển khai các bước tiếp theo; đồng thời, chỉ đạo Chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành báo cáo xác định nguyên nhân, đề xuất các giải pháp xử lý sự cố gửi UBND Tỉnh để xem xét, quyết định. Trên cơ sở báo cáo đề xuất của Chủ đầu tư, đề nghị UBND Tỉnh xem xét cho lập dự án để khắc phục sự cố sau khi có kết luận của Thanh tra Tỉnh.

Nguồn tin của Báo Đấu thầu cho biết, Chủ đầu tư đã xây dựng xong phương án xử lý sự cố sạt trượt, đang gửi xin ý kiến của các chuyên gia. Chủ đầu tư và các nhà thầu mong muốn cấp thẩm quyền sớm có chỉ đạo cụ thể đối với Dự án để có thể đưa công trình về đích.

Tin cùng chuyên mục