Dự án Nâng cao năng lực ngành y tế tỉnh Quảng Nam: Bế tắc mua sắm thiết bị, đề xuất chấm dứt đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Nâng cao năng lực ngành y tế tỉnh Quảng Nam đã 3 lần được Chính phủ quyết định điều chỉnh, gia hạn đầu tư nhưng không thể hoàn thành. UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, có thể phải kéo dài việc thực hiện Dự án đến tháng 9/2026 nhưng vẫn không chắc chắn hoàn thành nên đã chủ động đề xuất dừng đầu tư Dự án.
Dự án Nâng cao năng lực ngành y tế tỉnh Quảng Nam có tổng mức đầu tư 107,146 tỷ đồng, gồm 2 hợp phần, trong đó, Hợp phần Xây lắp đã hoàn thành năm 2020. Ảnh: NC st
Dự án Nâng cao năng lực ngành y tế tỉnh Quảng Nam có tổng mức đầu tư 107,146 tỷ đồng, gồm 2 hợp phần, trong đó, Hợp phần Xây lắp đã hoàn thành năm 2020. Ảnh: NC st

Dự án Nâng cao năng lực ngành y tế tỉnh Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục sử dụng vốn ODA của Chính phủ Italia từ tháng 12/2010. Mục tiêu đầu tư Dự án nhằm xây dựng hệ thống y tế của tỉnh Quảng Nam từng bước hiện đại, hoàn chỉnh và đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã theo hướng công bằng, hiệu quả, phát triển, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe, giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống. Dự án được tỉnh Quảng Nam phê duyệt đầu tư tháng 12/2012, nhưng liên tục chậm tiến độ nên Tỉnh đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư vào các năm 2017, 2020 và 2022, đồng thời gia hạn hoàn thành đến 31/12/2023.

Dự án có tổng mức đầu tư 107,146 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Italia và vốn đối ứng của tỉnh Quảng Nam, gồm 2 hợp phần: Xây lắp và Mua sắm trang thiết bị. Trong đó, Hợp phần Xây lắp đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng năm 2020. Đối với Hợp phần Mua sắm trang thiết bị trị giá gần 30 tỷ đồng cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Y tế huyện Nông Sơn, Trung tâm Y tế huyện Hiệp Đức, Trung tâm Cấp cứu 115 vẫn đang được rà soát, hoàn thiện danh mục và cấu hình trang thiết bị y tế, thẩm định giá… Theo UBND tỉnh Quảng Nam, hiện chưa đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu mua sắm hàng hoá và lắp đặt thiết bị.

Để xảy ra việc chậm trễ kéo dài và làm mất nguồn vốn vay ODA, theo UBND tỉnh Quảng Nam là do nhiều nguyên nhân như: dịch Covid-19; danh mục và cấu hình trang thiết bị y tế phải lấy ý kiến điều chỉnh nhiều lần; khó khăn trong việc thẩm định giá; đơn vị tư vấn không đáp ứng đúng danh mục, tiêu chuẩn, cấu hình thiết bị theo danh mục và cấu hình phía nhà tài trợ đã thống nhất trước đây. Bên cạnh đó, theo tỉnh Quảng Nam, tỷ giá EUR/VND liên tục giảm so với tỷ giá phê duyệt ban đầu, dẫn đến Dự án phải xem xét, điều chỉnh danh mục, số lượng trang thiết bị cho phù hợp với tổng mức đầu tư của hợp phần theo tỷ giá hiện hành.

UBND tỉnh Quảng Nam nhận định: “Dù Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, gia hạn nhiều lần nhưng vẫn không hoàn thành. Dự kiến, trong điều kiện thuận lợi, không gặp vướng mắc, tập trung tối đa đẩy nhanh tiến độ thì phải đến hết tháng 9/2026 mới hoàn thành. Tuy nhiên, do hợp phần này được tổ chức đấu thầu quốc tế nên thời gian thực hiện có thể kéo dài hơn dự kiến”.

Trước tình hình này, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cuối tháng 12/2023, Tỉnh đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xin kết thúc đầu tư Dự án. Đồng thời, UBND Tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc tham mưu triển khai thực hiện Dự án.

Đối với Dự án Nâng cao năng lực ngành y tế tỉnh Quảng Nam, từ tháng 5/2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị được điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án đến ngày 31/12/2025. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phản hồi bằng văn bản cho rằng, về thời gian bố trí vốn đầu tư công, theo khoản 2 Điều 52 Luật Đầu tư công, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư phải đảm bảo thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm B không quá 4 năm. Trường hợp không đáp ứng thời hạn nêu trên, Thủ tướng Chính phủ quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với các dự án sử dụng ngân sách trung ương. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tỉnh Quảng Nam rà soát lại thời gian thực hiện để đảm bảo thực hiện đúng quy định; trường hợp vốn bố trí thực hiện kéo dài quá 4 năm, đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tin cùng chuyên mục