Dự án ngăn triều 10 nghìn tỷ tại TP.HCM sắp được “giải vây”?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất lối ra cho Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Dự án có vai trò trọng yếu trong việc bảo đảm điều kiện sống, phát triển kinh tế an toàn cho vùng trung tâm Thành phố có diện tích 570 km2 với hơn 6,5 triệu dân. Theo UBND TP.HCM, Dự án cần sớm được gỡ vướng để giảm thiệt hại cho nhà đầu tư và bảo đảm môi trường sống cho người dân trong khu vực.
Cống ngăn triều Mương Chuối (huyện Nhà Bè) dài hơn 200m với 4 cửa van ngăn triều nặng từ 230 - 320 tấn đã được lắp. Ảnh: LĐ
Cống ngăn triều Mương Chuối (huyện Nhà Bè) dài hơn 200m với 4 cửa van ngăn triều nặng từ 230 - 320 tấn đã được lắp. Ảnh: LĐ

Kẹt cả đất lẫn tiền thanh toán

Trong Dự án trên, Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam là nhà đầu tư, thực hiện theo hình thức hợp đồng BT với tổng mức đầu tư 9.566,176 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay), phương án thanh toán bằng quỹ đất kết hợp tiền.

Theo Nhà đầu tư, Dự án đạt hơn 90% khối lượng công việc, trong đó tại các hạng mục cống Bến Nghé (97%), cống Tân Thuận (93%), cống Phú Xuân (90%), cống Mương Chuối (93%), cống Cây Khô (86%), cống Phú Định (88%), tuyến đê bao (88%).

Theo UBND TP.HCM, nhu cầu vốn để hoàn thành Dự án còn lại khoảng 1.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, Nhà đầu tư chưa được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cấp vốn để tiếp tục triển khai do vướng mắc liên quan việc thanh toán.

Cụ thể, đối với việc thanh toán bằng quỹ đất, Thành phố đã chuẩn bị các quỹ đất (đã bồi thường giải phóng mặt bằng) nhưng chưa có cơ sở để thực hiện thanh toán cho Nhà đầu tư do đang phải phối hợp với các bộ, ngành Trung ương thực hiện rà soát pháp lý. TP.HCM cũng chưa thể thực hiện thanh toán bằng tiền mặc dù đã phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 với giá trị 5.771,055 tỷ đồng để bố trí vốn thanh toán.

“Do việc thanh toán chưa thể thực hiện nên khoản vay của nhà đầu tư tại BIDV đã thành nợ quá hạn và cần được cấp có thẩm quyền chấp thuận cho được cơ cấu phần nợ quá hạn, giữ nhóm nợ để có thể tiếp tục giải ngân cho Dự án. Với khối lượng công việc còn lại, sau khi được giải ngân, thi công trở lại, Dự án cần khoảng thời gian từ 9 - 12 tháng để hoàn thành”, UBND TP.HCM cho biết.

Về phía Nhà đầu tư, Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam cho biết, Dự án ngừng thi công từ ngày 15/11/2020 khiến vốn đầu tư tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó lãi vay phát sinh hơn 1.500 tỷ đồng, mỗi ngày còn phải trả thêm tiền lãi 1,46 tỷ đồng. “Dự án chỉ còn 7% khối lượng nhưng đình trệ kéo dài dẫn đến lãng phí và thiệt hại như vậy là quá lớn”, đại diện Trung Nam cho biết.

Đề xuất 2 cơ chế gỡ khó

Trước sự sốt ruột của nhà đầu tư và người dân, UBND TP.HCM liên tục có 2 văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ vào ngày 18/7 và ngày 28/7/2023, trong đó nêu hàng loạt khó khăn, hệ lụy khi Dự án chậm tiến độ cũng như đề xuất hướng xử lý cụ thể.

TP.HCM đề xuất 2 cơ chế gỡ vướng cho Dự án. Theo cơ chế thứ nhất, Thành phố thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư khối lượng đã hoàn thành đồng thời bằng quỹ đất và bằng tiền, phù hợp với lịch thanh toán đã thỏa thuận. Đối với phần giá trị thanh toán bằng tiền, đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn BIDV chưa thu nợ ngay mà tạo điều kiện để cho Nhà đầu tư có đủ điều kiện tiếp tục thi công, hoàn thành Dự án. Cơ chế này có ưu điểm là phù hợp với cơ chế tái cấp vốn đã được Thủ tướng và Ngân hàng chấp thuận, nhưng không chủ động về thời gian thực hiện, hoàn thành. Đồng thời, rủi ro là trong trường hợp BIDV vẫn giữ nguyên các điều kiện như ban đầu, Dự án sẽ tiếp tục chậm tiến độ, lãi vay phát sinh tiếp tục tăng cao.

Cơ chế thứ hai mà TP.HCM đề xuất là Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) nhận ủy thác cho vay để tiếp tục thi công từ nguồn ngân sách Thành phố (khoảng 1.800 tỷ đồng). Sau khi công trình được nghiệm thu, TP.HCM sẽ thanh toán cho Nhà đầu tư theo đúng thỏa thuận tại hợp đồng BT, phụ lục hợp đồng đã ký và Nhà đầu tư thanh toán nợ cho HFIC. Ưu điểm của cơ chế này là TP.HCM chủ động trong việc bố trí vốn từ ngân sách địa phương, chi phí lãi vay của nhà đầu tư thấp, tuy nhiên cần có hướng dẫn trong việc triển khai thực hiện. Đồng thời, rủi ro xảy ra nếu khi hoàn thành, công trình không đáp ứng được về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng để nghiệm thu thì khó thu hồi vốn, có khả năng thất thoát ngân sách. Tuy vậy, TP.HCM vẫn kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận thực hiện theo cơ chế thứ hai do có nhiều thuận lợi trong việc triển khai

TP.HCM cam kết, sẽ bảo đảm nguồn vốn ủy thác cho Nhà đầu tư vay được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, sớm triển khai thi công và hoàn thành Dự án.

Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết, với tình hình hiện nay của Dự án, việc thanh toán cho Nhà đầu tư là yêu cầu cấp bách và là điều kiện tiên quyết để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hoàn thành công trình. Việc ngừng thi công đã gây ra nhiều hệ lụy về tài chính, kinh tế - xã hội đối với nhà đầu tư, Nhà nước và đặc biệt là người dân trong khu vực chịu tác động của Dự án.

BIDV là ngân hàng trung gian tiếp nhận nguồn vốn tái cấp từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để giải ngân cho Công ty Trung Nam thực hiện Dự án với nguồn trả nợ từ ngân sách và quỹ đất của TP.HCM. Theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ và NHNN, BIDV có trách nhiệm thu nợ kịp thời từ nguồn TP.HCM thanh toán để trả nợ tái cấp vốn cho NHNN. Vì vậy, việc Công ty Trung Nam chưa được thanh toán theo hợp đồng dự án đã dẫn tới khoản vay Dự án bị quá hạn nợ gốc 5.438,5 tỷ đồng, quá hạn nợ lãi 1.129 tỷ đồng, trong đó BIDV phải thu xếp nguồn vốn thương mại để trả nợ vay tái cấp vốn cho NHNN số tiền 3.560 tỷ đồng. Theo BIDV, đến nay, các vấn đề tồn tại, vướng mắc của Dự án đặc biệt là vấn đề thanh toán chưa được xử lý cụ thể, kể cả phụ lục hợp đồng dự án đã được ký kết cũng chưa có tính khả thi.