Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Đồng thuận cao về cơ chế mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mua sắm thuốc, vật tư tiêu hao (VTTH), trang thiết bị y tế (TTBYT) là nội dung tiếp tục nhận được nhiều quan tâm thảo luận và góp ý tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách diễn ra ngày 5/4 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung cơ chế đàm phán giá để mua sắm được thiết bị, vật tư y tế với giá tốt nhất. Ảnh: Lê Tiên
Đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung cơ chế đàm phán giá để mua sắm được thiết bị, vật tư y tế với giá tốt nhất. Ảnh: Lê Tiên

Trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về quy định mua sắm thuốc, VTTH, TTBYT trong Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn cho biết, sau Kỳ họp thứ 4 (tháng 5/2022), Thường trực Ủy ban TCNS đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều điều, khoản để luật hóa, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm về vấn đề mua thuốc, VTTH, TTBYT theo hướng: quy định rõ điều kiện áp dụng và các trường hợp được chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đàm phán giá, mua sắm tập trung… để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng.

Trong Phiên thảo luận về Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), đa số ĐBQH có ý kiến đồng tình với báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật. Theo nhận xét ĐBQH Lê Văn Khảm (Bình Dương), các điều khoản liên quan đến mua sắm trong lĩnh vực y tế tại Dự thảo Luật là những cơ chế, chính sách, quy định tạo cơ hội rất tốt cho người hành nghề y, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Cho rằng các quy định tại Dự thảo Luật đã khá đầy đủ, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đề xuất bổ sung cơ chế đấu thầu tập trung đối với thuốc, VTTH có số lượng nhỏ, rất nhỏ, rất ít, rất hiếm và nên giao cho một đơn vị thuộc Bộ Y tế thực hiện để cung cấp cho tất cả các bệnh viện trên cả nước.

“Quy định như vậy mới có nhà cung cấp, phục vụ cho bệnh nhân ở tất cả các bệnh viện. Nếu nhu cầu mua sắm của bệnh viện quá ít thì không nhà thầu nào muốn tham dự. Ví dụ mua huyết thanh chống nọc rắn, men chống độc như ở Quảng Nam, một số bệnh viện chỉ cần vài chục, nhiều lắm là vài trăm liều… Đấu thầu tập trung thuốc hiếm, nhu cầu sử dụng ít nhưng là thuốc thiết yếu sẽ bảo đảm cung ứng đủ thuốc phục vụ nhu cầu điều trị, tránh tình trạng bệnh viện tuyến dưới có phác đồ điều trị nhưng không có thuốc, đành phải chuyển lên tuyến trên, gây áp lực quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối. Cơ chế đấu thầu tập trung này đồng thời hạn chế được những tiêu cực trong mua sắm, bệnh nhân không phải mua thuốc trôi nổi trên thị trường…”, ĐBQH Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung cơ chế đấu thầu tập trung đối với thuốc, vật tư tiêu hao có số lượng nhỏ, hiếm để hạn chế tiêu cực. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung cơ chế đấu thầu tập trung đối với thuốc, vật tư tiêu hao có số lượng nhỏ, hiếm để hạn chế tiêu cực. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Để hoàn thiện nội dung đàm phán giá trong Dự thảo Luật, ĐBQH Lê Văn Khảm đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung vào Dự thảo Luật quy định về cơ chế đàm phán giá đối với TTBYT và VTTH, mà không chỉ dừng lại ở đàm phán giá đối với thuốc biệt dược hoặc thuốc chỉ có 1 hoặc 2 nhà sản xuất (Điều 28). Theo ông Khảm, TTBYT thường là các máy móc có yêu cầu rất cao về kỹ thuật, chẳng hạn trong lĩnh vực ung thư có máy xạ trị, máy nội soi can thiệp tim mạch dưới hướng dẫn của siêu âm, và thường chỉ có 1 - 2 hãng sản xuất hay nhà phân phối tại Việt Nam. Tương tự, máy xét nghiệm sinh hóa hay xét nghiệm miễn dịch, mỗi lĩnh vực chỉ có số lượng hạn chế nhà cung cấp... Bên cạnh đó, vật tư y tế trong điều trị bệnh có những sản phẩm độc quyền, thường là sản phẩm có tính phát minh. ĐBQH Lê Văn Khảm cho rằng, cần có cơ chế đàm phán giá để mua sắm được thiết bị, vật tư y tế với giá tốt nhất. Điều này sẽ có lợi cho cả bệnh nhân và cho Quỹ bảo hiểm y tế.

Về đề xuất đàm phán giá đối với TTBYT và VTTH, theo giải trình của Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận tại Phiên họp thứ 21 của UBTVQH, hiện nay, Bộ mới chỉ tổ chức đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia và đàm phán giá thuốc biệt dược gốc, nhưng đang bị quá tải, gặp nhiều khó khăn như hạn chế về nguồn lực, cơ sở dữ liệu... Trong khi đó, TTBYT và VTTH có số lượng mặt hàng phong phú và đa dạng về chủng loại hơn gấp nhiều lần so với thuốc. Do vậy, Bộ Y tế đề xuất nên tiếp tục giao cho các cơ sở y tế tự mua sắm TTBYT, VTTH tùy theo khả năng và nhu cầu.

Chia sẻ về cơ chế khắc phục tình trạng thiếu thuốc hiếm, ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược thuộc Bộ Y tế cho biết, Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 đã giao Bộ Y tế nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, Bộ Y tế dự kiến đề xuất cơ chế đặc thù về tài chính (bố trí, phân bổ nguồn ngân sách nhà nước để các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chủ động dự trù các mặt hàng thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung); cơ chế cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mua sắm, dự trữ một số thuốc chống độc, ngộ độc, chấp nhận hủy bỏ khi không có bệnh nhân dẫn đến thuốc hết hạn; chính sách khuyến khích doanh nghiệp dược trong nước triển khai sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.

Trong quá trình xây dựng các dự án luật lần này, trong đó có Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hầu như không có sự phân biệt vai giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với cơ quan thẩm tra của Quốc hội, thực chất là “2 trong 1”, vì sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan. “Với cách làm này, thực tế đã cho thấy, các nội dung được xem xét thông qua có chất lượng cao, đồng thuận lớn”, Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

Liên quan đến Dự án Luật Đấu thầu, đại diện cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng cho biết: “Những nội dung của Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, làm việc với một số bệnh viện lớn tại Hà Nội và được sự đồng thuận của Bộ Y tế, cơ quan soạn thảo”.

Tin cùng chuyên mục