Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia: Giàu tính mới trong tổ chức không gian phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 6 - 7/1/2023, bản dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QHTTQG) sẽ được Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường trong khuôn khổ Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV. Việc cho ý kiến vào các nội dung của QHTTQG là nhiệm vụ rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài đối với sự phát triển của đất nước.
Nội dung quan trọng nhất của Quy hoạch tổng thể quốc gia là tổ chức lại không gian, tổ chức lại lãnh thổ để tạo động lực mới cho phát triển. Ảnh: Lê Tiên
Nội dung quan trọng nhất của Quy hoạch tổng thể quốc gia là tổ chức lại không gian, tổ chức lại lãnh thổ để tạo động lực mới cho phát triển. Ảnh: Lê Tiên

5 quan điểm về tổ chức không gian phát triển

Tại phiên họp đầu tiên Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình tóm tắt về QHTTQG, nêu các căn cứ và quá trình xây dựng Quy hoạch. Bộ trưởng cho biết, Quy hoạch quán triệt và cụ thể hóa rõ hơn 5 quan điểm về tổ chức không gian phát triển. Thứ nhất, không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh từng vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thứ hai, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác cho phát triển để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước. Thứ ba, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng và các loại khoáng sản; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước. Thứ tư, tổ chức không gian phát triển quốc gia, các vùng, hành lang kinh tế, hệ thống đô thị phải gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và phát triển hài hòa khu vực đô thị, nông thôn. Thứ năm, tổ chức không gian phát triển quốc gia phải gắn kết giữa khu vực đất liền với không gian biển; khai thác và sử dụng hiệu quả không gian ngầm, vùng biển, vùng trời. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Trong tầm nhìn đến năm 2050, QHTTQG nêu mục tiêu Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Giai đoạn 2031 - 2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD… Để đạt các mục tiêu đề ra, Bộ trưởng cho biết, có 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được đưa vào dự thảo QHTTQG, trong đó sẽ tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi... Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn. Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây, các vành đai kinh tế ven biển, các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.

Đầu tư hạ tầng giao thông là rất cần thiết để có thể kết nối các nguồn lực. Ảnh: Tiên Huyền

Đầu tư hạ tầng giao thông là rất cần thiết để có thể kết nối các nguồn lực. Ảnh: Tiên Huyền

Làm rõ lợi thế Việt Nam

Thẩm tra QHTTQG thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nội dung Báo cáo đã đánh giá được các đặc điểm điều kiện tự nhiên, các yếu tố phát triển và hiện trạng phát triển quốc gia làm cơ sở để đề xuất các quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển của đất nước. Để hoàn thiện hơn, ông đề nghị, cần bổ sung các phân tích, đánh giá rõ về các yếu tố thuận lợi, khó khăn, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Đồng thời, làm rõ lợi thế so sánh của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

QHTTQG được lập nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng phân bố không gian, phân vùng và liên kết vùng. “Do vậy, cần nghiên cứu làm rõ hơn, các nội dung phải định hướng trong việc sắp xếp, phân bố không gian để đạt được các mục tiêu mà Chiến lược đã đề ra. Đồng thời, đề nghị bổ sung, nhấn mạnh hơn việc giảm chồng chéo, xung đột trong sử dụng không gian giữa các ngành, các địa phương và quan điểm về phát triển kinh tế biển”, ông Vũ Hồng Thanh nói.

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi, nội dung quan trọng và khó nhất của QHTTQG là tổ chức lại không gian, tổ chức lại lãnh thổ để tạo động lực mới cho phát triển. “Do vậy, cần hết sức lưu ý nguyên tắc “tổ chức lãnh thổ phải gắn chặt với kết nối các nguồn lực”, có vùng động lực, nhưng phải đánh thức được tiềm năng, biến tiềm năng thành nguồn lực phát triển. Muốn thực hiện được mục tiêu này, chúng ta phải có tuyến lực từ hệ thống cơ sở hạ tầng”, ông nói.

Cũng theo ông Chu Hồi, trong hệ thống cơ sở hạ tầng, đầu tư hạ tầng giao thông khu vực miền núi là rất cần thiết, do nước ta có đặc thù “tam sơn, nhất điền”. Nếu làm được đường cao tốc kết nối miền núi với đồng bằng thì chúng ta có thể kết nối các cảng biển với các cửa khẩu, như Lạng Sơn, Lũng Cú, Lao Bảo… Làm tốt kết nối giao thông chiều ngang sẽ giúp nguồn lực từ biển, ven biển tác động sâu vào đất liền, kinh tế nội địa.

Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình việc đưa vào dự thảo QHTTQG các nhiệm vụ lớn, đặc biệt là xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng năng lượng... Bản quy hoạch theo đó được đánh giá là giàu tính mới, bắt kịp với yêu cầu của thời cuộc và phù hợp với lợi thế của đất nước.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải thuộc Đoàn đại biểu Hà Nam nhận định, nếu Quốc hội ban hành Nghị quyết về QHTTQG ngay tại Kỳ họp bất thường này, sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh… “Cá nhân tôi kỳ vọng, QHTTQG sẽ định hướng và thúc đẩy việc hình thành các vùng kinh tế, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng có trọng tâm trọng điểm của đất nước”, ông Khải nói.

Tin cùng chuyên mục