Đưa nền kinh tế quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng và thuận lợi là yếu tố cơ bản không thể thiếu để doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh là giải pháp “phi tài chính” có ý nghĩa lớn hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Ảnh: Tường Lâm
Cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh là giải pháp “phi tài chính” có ý nghĩa lớn hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Ảnh: Tường Lâm

Kiệt quệ sức khỏe doanh nghiệp

Từ năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hầu hết các ngành, lĩnh vực. Năm 2021, nhiều địa phương, vùng kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới người dân, DN và tăng trưởng kinh tế.

Khu vực DN là động lực chính, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên dịch Covid-19 kéo dài đã làm nhiều DN phải đối mặt với nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp. Tác động rõ nhất của dịch Covid-19 được thể hiện qua số lượng DN rút khỏi thị trường dưới nhiều hình thức khác nhau.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng năm 2021, có 52.108 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 39.469 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 14.846 DN hoàn tất thủ tục giải thể. Đáng chú ý, trung bình mỗi tháng có gần 9.677 DN rút lui khỏi thị trường. Ngoài ra, niềm tin vào thị trường sụt giảm làm cho số DN đăng ký thành lập mới giảm nghiêm trọng cả về số lượng và số vốn đăng ký.

Mức độ ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh tới hoạt động kinh doanh của DN cũng được phản ánh qua kết quả điều tra DN của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2021. Theo đó, hầu hết DN cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực” (87,2%). Cả DN khu vực tư nhân trong nước và DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều bị ảnh hưởng nặng nề.

DN đang ngày càng phải đối mặt với nhiều rủi ro và sự khắc nghiệt do dịch bệnh gây ra. Những rủi ro về đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, sức mua giảm sút có thể dẫn tới làm kiệt quệ “sức khỏe” của DN, kéo theo gây tổn thương tới người lao động và nhiều hệ lụy xã hội khác. “Sức khỏe” của DN bị xói mòn, mức độ tổn thương lớn và có thể còn kéo dài.

Với tinh thần nỗ lực đồng hành cùng người dân, DN, từ đầu năm 2021, Chính phủ ban hành hơn 20 văn bản nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN và người dân. Một số văn bản đáng chú ý như: Nghị định số 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế; Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; Nghị quyết số 55/NQ-CP hỗ trợ giảm tiền điện; Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Doanh nghiệp đang nỗ lực vươn lên trong khủng hoảng. Nỗ lực này rất cần sự đồng hành của Chính phủ và một chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh là gói giải pháp “phi tài chính” được doanh nghiệp kỳ vọng.

Ở cấp độ địa phương, nhiều tỉnh, thành phố cũng triển khai các hành động hỗ trợ DN. Đơn cử như Hà Nội triển khai chương trình hỗ trợ chữ ký số và hóa đơn điện tử cho DN thành lập mới năm 2021, hỗ trợ phí công bố nội dung đăng ký DN, phí chuyển phát nhanh kết quả thủ tục hành chính về đăng ký DN,...

Qua đánh giá cho thấy, những chính sách hỗ trợ DN bị tác động bởi dịch Covid-19 nêu trên đã phần nào kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Các giải pháp được đưa ra trong năm 2021 có tính khả thi hơn, thủ tục đơn giản hơn so với các nhóm giải pháp trước đó. Tuy vậy, theo đánh giá của DN, một số giải pháp hỗ trợ vẫn chưa thật sự hiệu quả, chưa đến được với đa số DN gặp khó khăn do đại dịch.

Gói giải pháp “phi tài chính” được doanh nghiệp kỳ vọng

Trong bối cảnh đó, cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được xác định là giải pháp “phi tài chính” có ý nghĩa để hỗ trợ DN và nền kinh tế thích ứng và phục hồi sau đại dịch. Nhóm giải pháp “phi tài chính” này của Chính phủ là “nguồn hỗ trợ” có hiệu quả dài hạn, bền vững và được cộng đồng DN mong chờ. Vì thế, Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 đã đặt trọng tâm vào nội dung này, chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Với mong muốn hỗ trợ DN thực hiện thủ tục thuận lợi hơn trong bối cảnh địa phương áp dụng giãn cách vì dịch bệnh, một số cơ quan đã áp dụng các biện pháp như: Hải quan cho phép DN nộp hồ sơ qua mạng để thông quan và bổ sung bản giấy khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng; bảo hiểm xã hội đẩy mạnh áp dụng các giao dịch trên nền tảng trực tuyến...

Mặc dù vậy, có thể nói rằng các nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh trong hai năm 2020 - 2021 có xu hướng chững lại, triển khai chậm hơn. Các bộ, ngành, địa phương chú trọng nhiều hơn tới các nhóm giải pháp chống dịch và thực hiện các gói hỗ trợ. Trong khi đó, đây là thời điểm DN càng cần hơn sự vào cuộc của các bộ, ngành trong cải cách quy định, thủ tục, gỡ bỏ rào cản để DN an tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh và thực hiện chống dịch nhằm đảm bảo “mục tiêu kép” như Chính phủ đề ra.

Cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng và thuận lợi là yếu tố cơ bản không thể thiếu để DN phục hồi kinh doanh, góp phần đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững. Môi trường kinh doanh sẽ tác động đến cách thức vượt qua đại dịch và mức độ tận dụng cơ hội của DN khi bắt đầu quá trình phục hồi. Theo đó, một chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cho giai đoạn 2022 - 2025 là không thể thiếu, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi và tăng tốc phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Với tầm quan trọng của cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh đối với DN và sự phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Trong đó, Nghị quyết lựa chọn một số vấn đề và nội dung trọng tâm cải cách cho giai đoạn 2022 - 2025, bao gồm: cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; loại bỏ rào cản đối với đầu tư kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; cải cách về đăng ký đất đai và bất động sản; phát triển thương mại điện tử và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

DN đang nỗ lực vươn lên trong khủng hoảng. Nỗ lực này rất cần sự đồng hành của Chính phủ và một chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh là gói giải pháp “phi tài chính” được DN kỳ vọng.

Tin cùng chuyên mục