Dựa vào nền tảng số để phục hồi bền vững hậu Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kinh doanh trên nền tảng công nghệ đã và đang trở thành hình thức kinh doanh chính yếu và sẽ thay thế vị trí trọng tâm của kinh doanh tuyến tính truyền thống, với nhiều ngành nghề được dự báo phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, một trong những điểm nghẽn có thể cản trở sự phát triển lâu dài, bền vững của mô hình kinh doanh này là khung pháp lý và nguồn nhân lực.
Theo Báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2021”, nền kinh tế số Việt Nam được dự báo chạm mốc 57 tỷ USD vào năm 2025. Ảnh: Nhã Chi
Theo Báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2021”, nền kinh tế số Việt Nam được dự báo chạm mốc 57 tỷ USD vào năm 2025. Ảnh: Nhã Chi

Theo Báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019” do Google, Temasek và Bain & Company công bố ngày 3/10/2019, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019), cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015.

Con số trên được TS. Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương thông tin tại Hội thảo chuyên đề “Phát triển các mô hình kinh doanh mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045” diễn ra sáng 11/11.

Nhờ có nền kinh tế số mà các ngành, nghề kinh doanh sôi động, từ thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội, giải trí, giao thông vận tải đến phân phối, bán buôn và bán lẻ… Quy mô thị trường thương mại điện tử đạt khoảng 5 tỷ USD, trong khi du lịch trực tuyến đạt khoảng 4 tỷ USD, truyền thông trực tuyến đạt 3 tỷ USD, gọi xe công nghệ khoảng 1 tỷ USD. Việt Nam cũng trở thành điểm đến đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực đối với các công ty hoạt động trên nền tảng công nghệ thông tin, internet, với 0,35 tỷ USD cho 137 thương vụ trong năm 2018 và 0,26 tỷ USD cho 54 thương vụ trong năm 2019.

Theo số liệu mới nhất từ Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế số của Việt Nam trong năm 2021 dự kiến đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này ước tính đạt 57 tỷ USD vào năm 2025.

Đại dịch Covid-19 xuất hiện với những diễn biến phức tạp và khó kiểm soát đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu, khiến tăng trưởng kinh tế và thương mại, đầu tư quốc tế có xu hướng giảm… TS. Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, những điều này tác động không nhỏ, gây ra khủng hoảng kinh tế thế giới, làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị, cách thức hoạt động kinh tế; thay đổi cả tổ chức đời sống xã hội toàn cầu, thể hiện rõ nét nhất ở xu hướng tiêu dùng hiện đại đòi hỏi phải thay đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp trong tình hình mới.

Việt Nam đang trở thành mảnh đất với nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế, kinh doanh số nếu biết nắm bắt tốt cơ hội và đẩy nhanh được tiến trình số hóa nền kinh tế.

Thống kê cũng cho thấy, Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể nền thương mại vì sự chuyển đổi từ mua sắm truyền thống sang trực tuyến với việc có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số, trong đó có hơn một nửa đến từ các khu vực không phải thành phố lớn.

Trong lĩnh vực dịch vụ, bà Nguyễn Thái Hải Vân - Giám đốc điều hành Grab Việt Nam cho biết, trong thời gian dịch bệnh Covid-19, thông qua GrabMart, GrabConnect…, Grab đã hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản với sự phối hợp chặt chẽ từ 3 bên (hợp tác xã nông nghiệp, nhà vườn và nông dân; người tiêu dùng; những đối tác tài xế của Grab). Các bên đều có những lợi ích nhất định thông qua phương thức kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ này.

Theo bà Vân, Việt Nam đang trở thành mảnh đất với nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế, kinh doanh số nếu biết nắm bắt tốt cơ hội và đẩy nhanh được tiến trình số hóa nền kinh tế.

Đồng thuận với quan điểm trên, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ nhấn mạnh, sự chuyển đổi hành vi của người tiêu dùng, xã hội, kinh tế sẽ còn mạnh mẽ hơn nhiều khi dịch bệnh Covid-19 chưa có hồi kết. Qua những đợt dịch vừa qua, có tới 44% người dân có lần đầu tiên mua sắm qua internet trong năm 2021; 84% người tiêu dùng đã chấp nhận thanh toán không tiền mặt… Thời gian tới sẽ là “cơ hội vàng” cho các doanh nghiệp Việt tiếp cận và thay đổi phương thức bán hàng nhờ thương mại điện tử.

Song, sự phát triển của kinh tế số sẽ phải đối mặt với một số trở ngại xuất phất từ đặc điểm văn hóa của Việt Nam. Theo ông Phạm Văn Thinh, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn và Kiểm toán Deloitte Việt Nam, những trở ngại đó là văn hóa đi chợ, tiêu tiền mặt; môi trường thể chế cho kinh tế số chưa được phát triển hoàn thiện; nguồn nhân lực còn thiếu, nhất là nhân lực về công nghệ thông tin, an ninh mạng… Đây là những bài toán cần phải giải quyết để kinh tế số có thể phát triển trong tương lai.

Ông Nguyễn Thế Quảng, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương cho biết, hiện chưa thể xác định được ngành, lĩnh vực có các mô hình kinh doanh mới sẽ được ưu tiên hỗ trợ trong thời gian tới. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm nhiều hơn là đổi mới tư duy, cách thức tiếp cận của cơ quan quản lý nhà nước phải phù hợp với sự đổi mới của các phương thức kinh doanh gắn với nền tảng công nghệ số, từ đó hoàn thiện được khung khổ pháp lý tốt, quản lý được đúng hướng… Đồng thời, cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho nguồn nhân lực và các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp đang và sẽ có mô hình kinh doanh mới, đổi mới sáng tạo.

Tin cùng chuyên mục