Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Nhiều cơ hội cho DN trong nước

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quốc hội vừa thông qua chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, mở ra cơ hội cho các nhà thầu xây dựng, doanh nghiệp lĩnh vực giao thông tham gia công trình quy mô hơn 1,713 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 67 tỷ USD), lớn nhất từ trước đến nay.
Phần hạ tầng Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là những hạng mục công trình “nằm trong tầm tay” của nhà thầu Việt. Ảnh minh họa: NC st
Phần hạ tầng Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là những hạng mục công trình “nằm trong tầm tay” của nhà thầu Việt. Ảnh minh họa: NC st

Theo nhiều chuyên gia, đi cùng với cơ hội là những thách thức lớn về cơ chế, công nghệ và nguồn nhân lực, đòi hỏi áp dụng cơ chế đặc thù, cùng với đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nỗ lực để tự nâng tầm năng lực và vị thế của nhà thầu Việt.

Cơ hội từ hạng mục xây lắp 33/67 tỷ USD

Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Về quy mô, đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Hình thức đầu tư công, áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả.

Dưới góc nhìn của đơn vị thiết kế, ông Đào Ngọc Vinh, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (Tedi) chia sẻ, các hạng mục công trình của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam gồm: phần hạ tầng (cầu, đường, kiến trúc tầng trên là ray, cầu, hầm, ga, depo (trạm sửa chữa), trạm bảo dưỡng…); phần điều khiển chạy tàu (hệ thống thông tin tín hiệu, trung tâm điều khiển tàu); phần phương tiện tàu (đoàn tàu, toa tàu, đầu máy toa xe); phần cấp điện động lực cho toàn bộ hệ thống. Hiện Dự án đang ở bước nghiên cứu tiền khả thi nên chưa có khung tiêu chuẩn. Trong giai đoạn sau (bước nghiên cứu khả thi), các vấn đề công nghệ, hạ tầng thiết bị của Dự án mới được quyết định.

Ông Vinh cho rằng, cấu phần hạ tầng là những hạng mục công trình “nằm trong tầm tay” của các nhà thầu xây dựng Việt Nam. Tuy nhiên, trước thách thức lớn về năng lực thực hiện công trình tương tự, để đáp ứng được thì cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ nhà thầu trong nước tham gia.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng nhận định, Dự án mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng Việt Nam tham gia khi hạng mục xây dựng, xây lắp chiếm 33 tỷ USD trong tổng mức đầu tư khoảng 67 tỷ USD. Theo ông Hiệp, Dự án không quá khó về mặt công nghệ nhưng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng bởi tính quy mô và độ chính xác cao, đặc biệt là việc đảm bảo vận hành an toàn với tốc độ thiết kế lên tới 350 km/h.

Làm gì để đón đầu cơ hội?

Nhiều nhà thầu xây dựng Việt Nam đã và đang chuẩn bị chiến lược, nguồn lực để có thể sẵn sàng tham gia Dự án. Ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex) chia sẻ, khi tham gia Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các doanh nghiệp mong muốn sẽ có hành lang pháp lý phù hợp. Đơn cử, trong việc lựa chọn nhà thầu thực hiện hạng mục hạ tầng của Dự án, nếu đánh giá năng lực của nhà thầu theo các công trình tương tự thì sẽ bị vướng, bởi phân cấp công trình xây dựng tại Thông tư số 06/2021/TT-BXD chưa có cấp cho công trình đường sắt tốc độ cao, công trình đặc biệt như thế này. Do đó, khi xác định năng lực của nhà thầu, cần có cách quy đổi từ các công trình giao thông cấp đặc biệt để xác định năng lực thực hiện công trình tương tự của đường sắt tốc độ cao, từ đó nhà thầu có thể chuẩn bị được hồ sơ pháp lý chuẩn để tham dự. Nhân sự tham gia Dự án cũng cần được quy đổi tương tự.

Ông Hải đề xuất, trong giai đoạn đầu có thể cho phép chỉ định thầu, lựa chọn các nhà thầu đã từng tham gia các công trình đường bộ cao tốc và có cấp công trình tương tự thực hiện một số hạng mục của Dự án để nhà thầu có cơ hội nâng cao năng lực. Với hành lang pháp lý rõ ràng, nhà thầu sẽ tự tin hơn trong việc đầu tư công nghệ và nhân lực để tham gia sâu hơn vào các hạng mục, gói thầu của Dự án.

Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành nhấn mạnh, với tính chất cần bảo đảm độ chính xác cao, các yêu cầu về sai số kỹ thuật là ít nhất, thậm chí không cho phép sai số, nhà thầu thi công phải đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt từ con người tới công nghệ, thiết bị… Nhiều nhà thầu xây dựng đã bắt tay chuẩn bị bằng việc nghiên cứu, hợp tác với các đơn vị quốc tế có kinh nghiệm, uy tín về công nghệ đường sắt, bảo đảm năng lực để có thể đảm nhận các hạng mục hạ tầng của Dự án. Ông Khôi đề xuất, nên chăng cho phép các nhà thầu trong nước được sử dụng tỷ lệ khoảng 10 - 20% chuyên gia nước ngoài khi tham gia Dự án để nâng cấp kinh nghiệm, chỉ rõ khó khăn, lường trước những phức tạp trong quá trình thi công.

Liên quan tới năng lực tài chính của nhà thầu, ông Đào Ngọc Vinh nêu quan điểm, nếu phân chia các đoạn quá lớn để thực hiện Dự án thì khả năng đáp ứng tiêu chí năng lực tài chính của nhà thầu sẽ bị hạn chế. Do đó, cần nghiên cứu cơ chế phù hợp để các nhà thầu, liên danh nhà thầu nội có thể đáp ứng được.

Tin cùng chuyên mục