Gần 90% doanh nghiệp tại Việt Nam kỳ vọng triển vọng vào năm 2024 sẽ tích cực với hiệu quả kinh doanh được cải thiện. Ảnh minh họa: Internet |
Theo UOB, bất chấp những bất ổn đang diễn ra như căng thẳng địa chính trị và nhu cầu toàn cầu chững lại, các nền kinh tế trong khu vực ASEAN vẫn duy trì sự ổn định. Khu vực này sẽ tiếp tục phát triển trong nền kinh tế thế giới với nền tảng vững chắc được thúc đẩy bởi tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh, lực lượng lao động trẻ và năng động, khả năng kết nối ngày càng tăng và đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ.
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là một điểm sáng với triển vọng tích cực vào năm 2024. Dự báo tăng trưởng của UOB cho Việt Nam trong năm nay là 6,0%, phù hợp với mục tiêu của Chính phủ là 6 - 6,5%.
Trong bối cảnh đó, Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp năm 2024 của UOB đã khảo sát hơn 4.000 doanh nghiệp (SME & Doanh nghiệp lớn) tại 7 thị trường trọng điểm trên khắp ASEAN và Trung Quốc, trong đó có 525 doanh nghiệp tại Việt Nam. Kết quả cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn lạc quan về môi trường kinh doanh hiện tại. Gần 90% doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ sự quan tâm đến việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, trong đó ASEAN là thị trường hàng đầu mà các doanh nghiệp nhắm đến để mở rộng kinh doanh trong 3 năm tới (tính đến năm 2026).
Theo UOB, mặc dù tâm lý kinh doanh nhìn chung là tích cực, nghiên cứu cho thấy, có sự sụt giảm trong số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam đạt mức doanh thu tăng trong năm 2023 so với năm trước. Lạm phát cao, giá cả hàng hóa bất ổn và sự phục hồi sau suy thoái kinh tế là 3 yếu tố vĩ mô hàng đầu tác động đến doanh nghiệp trong năm 2023.
Về triển vọng trong tương lai, gần 90% doanh nghiệp tại Việt Nam kỳ vọng triển vọng vào năm 2024 sẽ tích cực với hiệu quả kinh doanh được cải thiện. Để đạt được điều này, các doanh nghiệp đang lên kế hoạch để tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật số, nâng cấp trang thiết bị hoặc cơ sở vật chất để nâng cao năng suất và đa dạng hóa các kênh bán hàng để thúc đẩy tăng trưởng.
Nghiên cứu Triển vọng Doanh Nghiệp năm 2024 của UOB cũng cho thấy, gần 9 trên 10 doanh nghiệp ở Việt Nam đã áp dụng số hóa ở ít nhất một bộ phận trong doanh nghiệp. Ảnh: Internet |
Khoảng 60% doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam cho biết, động lực hàng đầu của họ cho việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài là để tăng doanh thu. Các nền tảng thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới là một phương tiện phổ biến để mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, với hơn 9 trên 10 doanh nghiệp quan tâm đến việc sử dụng kênh này.
Khi nhìn vào các khu vực mà các doanh nghiệp Việt Nam đang nhắm tới cho việc đầu tư ra nước ngoài trong 3 năm tới, ASEAN là lựa chọn hàng đầu, với gần 7 trên 10 doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động kinh doanh ra khu vực này. Trung Quốc đại lục là thị trường trọng điểm thứ hai, với 37% doanh nghiệp muốn đầu tư vào quốc gia này. Trong ASEAN, Thái Lan là quốc gia quan trọng nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào, tiếp theo là Singapore, Malaysia và Indonesia.
Nghiên cứu Triển vọng Doanh Nghiệp năm 2024 của UOB cũng cho thấy, gần 9 trên 10 doanh nghiệp ở Việt Nam đã áp dụng số hóa ở ít nhất một bộ phận trong doanh nghiệp. Trong đó, khoảng 41% doanh nghiệp đã số hóa trên toàn bộ hoạt động kinh doanh, tỷ lệ này là cao nhất trong khu vực. Hơn 80% doanh nghiệp Việt Nam đang có kế hoạch chi nhiều hơn cho hoạt động số hóa vào năm 2024, với hầu hết ngân sách đều tăng từ 10 - 25%.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp dự kiến sẽ phải đối mặt với một số thách thức, bao gồm những lo ngại về vấn đề an ninh mạng, thiếu hụt về kỹ năng kỹ thuật số trong đội ngũ nhân viên và rủi ro gia tăng về xâm phạm dữ liệu.