Gắn kết và lan tỏa mạch nguồn tri thức, văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hơn 3 tháng sau triển lãm “Đối thoại Thư pháp và Graffiti”, TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn nhắc lại sự kiện này với dư âm từ sự đón nhận nhiệt thành của giới trẻ, giới trí thức và nghệ thuật từ muôn phương, mở ra hy vọng về sức sáng tạo không giới hạn cho không gian văn hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Để từ đó, tạo nên mạch nguồn kết nối lịch sử, văn hóa và tri thức trong lòng người dân Việt Nam.
Giá trị tài nguyên di sản của Văn Miếu - Quốc Tử Giám rất lớn, đó là giá trị về đạo học Việt Nam với truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo và coi trọng hiền tài. Ảnh: Lê Tiên
Giá trị tài nguyên di sản của Văn Miếu - Quốc Tử Giám rất lớn, đó là giá trị về đạo học Việt Nam với truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo và coi trọng hiền tài. Ảnh: Lê Tiên

Không chỉ là điểm tham quan “Trường đại học đầu tiên của Việt Nam” để tìm hiểu về các giá trị lịch sử, văn hóa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám giờ đây thu hút rất nhiều bạn trẻ đến trải nghiệm các sản phẩm sáng tạo. Triển lãm “Đối thoại Thư pháp và Graffiti” tháng 9/2022 có phải là một sự kiện đáng nhớ trong cộng đồng sáng tạo Việt Nam, thưa ông?

Nói đến tranh vẽ đường phố Graffiti, nhiều người định kiến đó là sự bôi bẩn đường phố song cũng nhiều quan điểm cho rằng đó là nghệ thuật vượt qua mọi khuôn mẫu. Trong khi đó, Thư pháp là nghệ thuật tạo hình chữ viết đã có từ lâu đời. Tổ chức cuộc đối thoại giữa 2 bộ môn nghệ thuật tưởng chừng không ăn nhập với nhau, lúc đầu, chúng tôi cũng rất băn khoăn. Tuy nhiên, sự kiện đã thu hút các bạn trẻ từ cả nước hội tụ về đây để cùng sáng tác, tinh thần đối thoại đã thể hiện trong từng chi tiết của tác phẩm, trong cả quá trình làm việc và tạo nên hiệu ứng rất tích cực.

TS. Lê Xuân Kiêu

TS. Lê Xuân Kiêu

Thực tế, đối thoại giữa các nhóm trong cùng một bộ môn đã không hề dễ. Song, cuộc đối thoại giữa Thư pháp và Graffiti dựa trên giá trị đạo học Việt Nam được lưu giữ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại tạo ra cảm hứng dám thay đổi để sáng tạo. Đây là dịp để hai loại hình nghệ thuật này đứng chung một sân khấu và đến gần hơn với công chúng, mang lại cho người xem những trải nghiệm và góc nhìn mới mẻ.

Đến nay, nhắc đến cuộc đối thoại này, giới sáng tạo đều nhìn nhận đó là bước ngoặt phá đi định kiến về những giới hạn của xưa và nay, mở ra tiền lệ cho những cuộc đối thoại nghệ thuật tương tự, từ đó làm đa dạng và phong phú các hoạt động văn hóa được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và hiện thực hóa ý tưởng đưa nơi đây trở thành một không gian sáng tạo, một điểm đến quen thuộc của công chúng yêu văn hóa và nghệ thuật.

Sau cuộc đối thoại đó, nhiều sự kiện khác cũng đã diễn ra tại đây. Trong đó, Triển lãm “Bia đá kể chuyện” là một dấu ấn đậm nét của một năm hoạt động tích cực của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thưa ông?

Đúng vậy, xuất phát từ ý tưởng gìn giữ và phát huy giá trị bài học lịch sử “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, chúng tôi đã tổ chức triển lãm “Bia đá kể chuyện” để “kể” cho công chúng nghe về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam nhân kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022).

Đây là lần đầu tiên những hoa văn, họa tiết, những hàng chữ trên 82 tấm bia tiến sĩ được dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt, cung cấp thông tin cho công chúng về các khoa thi thời xưa cùng tên tuổi những người đỗ đạt.

Sân chơi Trạng nguyên nhí được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Sân chơi Trạng nguyên nhí được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Từ khoa thi Nho học đầu tiên được tổ chức năm 1075 dưới triều vua Lý Nhân Tông cho đến khoa thi cuối cùng năm 1919 dưới triều vua Khải Định, lịch sử khoa cử Việt Nam đã trải qua hơn 800 năm với sự xuất hiện của nhiều bậc hiền tài góp sức cho sự thịnh vượng của biết bao triều đại. Những người đỗ đại khoa không chỉ được triều đình trọng dụng, ban nhiều ân điển, mà kể từ khoa thi năm 1442, họ còn được khắc tên trên bia tiến sĩ đặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám để lưu danh đến muôn đời sau.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, một số bia tiến sĩ thuộc Văn Miếu Thăng Long xưa đã bị thất lạc, hiện chỉ còn 82 bia được bảo tồn, đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới, Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.

Những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của 82 bia tiến sĩ không chỉ được thể hiện đơn thuần qua những hàng chữ Nho hay hoa văn trang trí trên mặt bia. Ẩn sau lớp mặt những tấm bia đó là hàng ngàn câu chuyện thú vị về cuộc đời và sự nghiệp của hơn 1.300 vị tiến sĩ và truyền tải thông điệp “đỗ đạt cao chỉ mới là mở đầu cho chặng đường phụng sự đất nước” và “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.

Với nhiều hoạt động phong phú và đa dạng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích văn hóa - lịch sử này sẽ tiếp tục phát triển như thế nào, thưa ông?

Là di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám phải là không gian sáng tạo, một trung tâm hoạt động văn hóa. Với định hướng đó, chúng tôi đang từng bước đổi mới trong công tác nghiên cứu, tạo ra các hoạt động, sản phẩm văn hóa phát huy giá trị của di tích để ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, đặc biệt là các bạn trẻ.

Lấy cảm hứng từ giá trị di sản, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức nhiều sự kiện và cuộc thi dành cho các bạn học sinh, sinh viên, như cuộc thi tìm hiểu về danh nhân Chu Văn An, Cuộc thi ký họa Văn Miếu, Cuộc thi thiết kế các sản phẩm lưu niệm đặc trưng của di tích… Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kết hợp với nhiều đơn vị, nhóm tình nguyện để truyền thông mạnh mẽ về giá trị của di tích để khách tham quan, các bạn trẻ đến đây với tâm thức tôn vinh, tri ân và noi gương những bậc tiền nhân, từ đó nuôi dưỡng tinh thần ham mê học hỏi, sáng tạo và tự chủ.

Tín hiệu tích cực là sự quan tâm của bạn trẻ đối với Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày càng tăng. Nhiều nhóm bạn trẻ sáng tạo đã chủ động đến đây đề xuất ý tưởng tạo dựng sân chơi văn hóa. Nhiều bạn trẻ sẵn sàng làm tình nguyện viên truyền thông cho Văn Miếu - Quốc Tử Giám, rất sáng tạo trong cách thức tổ chức và đạt hiệu quả rất cao. Hiện chúng tôi đang xem xét đề xuất tổ chức hoạt động trải nghiệm vẽ tranh Đông Hồ, trình diễn cổ phục, các khóa học về đạo học, về kỹ năng sống tại di tích.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám có định hướng ứng dụng công nghệ để tăng trải nghiệm cho khách tham quan không, thưa ông?

Giá trị tài nguyên di sản của Văn Miếu - Quốc Tử Giám rất lớn. Đó là giá trị về đạo học Việt Nam với truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo và coi trọng hiền tài. Hàng nghìn vị tiến sĩ được lưu danh trên các văn bia là hàng nghìn cuộc đời, số phận với bao câu chuyện chưa được kể. Đó là cơ sở cho sự sáng tạo trên nền tảng ứng dụng công nghệ hiện đại, theo hướng phát triển công nghiệp văn hóa và chuyển đổi số đang là yêu cầu khách quan hiện nay.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa 3D cả giá trị vật thể và phi vật thể, phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ giúp tăng trải nghiệm cho khách tham quan. Sẽ cần nhiều tâm sức để đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành điểm hẹn về sáng tạo văn hóa trên tinh thần tiếp nối truyền thống văn hóa tốt đẹp và noi theo gương sáng tiền nhân của dân tộc ta.

Tin cùng chuyên mục