Gánh nặng chi phí vô hình

(BĐT) - Theo báo cáo “Khảo sát về môi trường kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2017, chi phí kinh doanh ở Việt Nam cao thuộc hàng đầu trong khu vực ASEAN. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Doanh nghiệp (DN) Việt cũng phải chịu chi phí nộp thuế cao trong khu vực ASEAN, ở mức 39,1% so với lợi nhuận và cao hơn 2 lần so với Singapore. Ngoài ra, chi phí về tuân thủ chứng từ xuất khẩu của các DN Việt Nam cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines… 

Mất chi phí thời gian và cơ hội

Bình luận về các con số nêu trên tại Tọa đàm “Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng đây là “vấn đề đáng quan ngại” cho sự phát triển của DN.

“Đó là một lời cảnh báo và đứng ở góc độ các cơ quan quản lý cơ chế chính sách cần suy nghĩ xem mình có thể làm tốt hơn ở chỗ nào, từng đơn vị một, từng lĩnh vực một rà soát lại để tìm cái mà mình làm tốt hơn được cho cộng đồng DN, nhìn ở góc độ đấy tích cực hơn”, ông Đông nói.

Ông Ngô Văn Điểm, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng, chi phí đầu vào cao như vậy không những ảnh hưởng tới năng lực kinh doanh của DN, mà còn tác động rất lớn tới năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, những con số chi phí “hữu hình” có thể còn không lớn bằng con số “vô hình”. Cụ thể, theo ông Hiếu, đôi khi chúng ta mới chỉ nhìn con số rất trực quan về thuế, lệ phí. Cả 2 chi phí đó là 1 phần của chi phí chính thức nhưng cũng chỉ nằm trong 1 con số khổng lồ hơn.

“Đó chính là chi phí về thời gian và chi phí về cơ hội mà DN mất đi vì thủ tục hành chính rườm rà… Ví dụ, nếu thực hiện thủ tục hành chính mất 10 ngày và mỗi DN mất 1 người đi thực hiện thủ tục đó thì nhân ra tiền khoảng 200.000 đồng/người/ngày, vậy chi phí cho khoảng 500.000 DN cho 1 thủ tục hành chính lên đến hàng trăm tỷ đồng. Vậy chi phí chính thức ít nhưng khi chúng ta lượng hóa được lại là một con số rất lớn”, ông Hiếu dẫn chứng. 

Có ai tự đập vỡ niêu cơm của mình?

Tình trạng thủ tục chồng chéo cũng là nguyên nhân gây bức xúc, làm tăng chi phí cho DN. Số liệu từ cuộc họp của Tổ trưởng Tổ công tác Chính phủ với 12 bộ ngành mới đây cho thấy, hiện tỷ lệ hàng hóa làm thủ tục kiểm tra 2 - 3 lần chiếm 58%, trong đó 54% là kiểm tra 2 lần, còn lại 3 lần. Đây là tỷ lệ rất lớn. Điển hình như một mặt hàng chocolate cần 13 loại giấy phép, 12 nguyên liệu cần 12 loại giấy phép, cuối cùng phải xác nhận công bố thành phẩm.

Khi bình luận về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, việc giao cho các bộ, ngành tự rà soát thủ tục, điều kiện kinh doanh nhằm cải cách hành chính như hiện nay là không hiệu quả. Chính các bộ, ngành là nơi sinh ra các sản phẩm đó, cơ quan xây dựng chính sách, thực thi chính sách, sau đó lại tự rà soát và cắt bỏ đi cái mà mình vừa ban hành trước đó thì không thể hiệu quả được.

Theo ông Hiếu, thế giới có 2 hướng xử lý đối với vấn đề này. Một là rà soát không độc lập hoàn toàn, nghĩa là người ta có cơ quan riêng, khách quan và độc lập trong rà soát các thủ tục, điều kiện, có sự phối hợp với bộ, ngành.

Hướng thứ hai là rà soát song song, có nghĩa là các bộ, ngành cũng tự chịu trách nhiệm rà soát nhưng có cơ quan độc lập phản biện. Cơ quan này cũng rà soát rồi đối chiếu, phản biện với bộ, ngành, sau đó thông qua một hội đồng chuyên môn (chức năng như trọng tài) quyết định cải cách cái gì.

“Hiện nay chúng ta giao cho các bộ, ngành tự rà soát mà không có chỉ tiêu rõ ràng, không có một cơ quan chịu trách nhiệm giám sát và có thẩm quyền quyết định kết quả rà soát đó.  Cách làm hiện nay không phù hợp và cần thay đổi, có cơ quan độc lập, kết quả cuối cùng trình lên Chính phủ hoặc Quốc hội”, ông Hiếu nói.

Ông Ngô Văn Điểm, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cũng cho rằng, cần phải có cơ quan độc lập xem xét lần cuối việc ban hành các văn bản. Để cải cách thủ tục hành chính hiệu quả, các cơ quan công quyền cần phải biết lắng nghe, giải quyết các khiếu nại của người dân, doanh nghiệp; và hơn hết là chấp nhận chỉ trích của báo giới.

“Không ai tự mình rà soát tốt được, như chúng tôi hay nói trước đây là không ai đập vỡ niêu cơm của mình. Phải có người khác chỉ vào thì người ta mới làm được. Tôi cũng rất mừng là mới đây, Thủ tướng đã cho tái lập Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp. Đây chính là một kênh giúp rà soát cắt giảm thủ tục”, ông Điểm nói.

Tin cùng chuyên mục