Các bộ, ngành liên quan đang nghiên cứu để sớm có giải pháp gỡ khó cho nhà thầu ký HĐ trọn gói, HĐ theo đơn giá cố định bị ảnh hưởng bởi nguyên VLXD tăng giá. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Mong sớm có chính sách bù giá
Một trong những nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng đầu năm tại nhiều địa phương là do nguồn vật liệu xây dựng khan hiếm, thiếu hụt lao động; giá nhiên, vật liệu xây dựng tăng mạnh, đặc biệt là giá thép, đất, cát xây dựng tăng đột biến so với dự toán đã duyệt… Việc tăng giá này dẫn đến tình trạng nhà thầu thi công cầm chừng để chờ hướng dẫn điều chỉnh giá vật liệu xây dựng, nhiều dự án đang thực hiện phải điều chỉnh dự án, biện pháp thi công.
Các địa phương đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành thống nhất cho phép điều chỉnh giá vật liệu cho những hợp đồng theo đơn giá cố định và trọn gói nhằm tháo gỡ khó khăn cho đơn vị thi công. Nhiều địa phương kiến nghị đưa vào trường hợp bất khả kháng để được điều chỉnh đối với hợp đồng trọn gói như năm 2008, 2009.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cũng nhận định, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, ảnh hưởng đến giá thành và tiến độ thi công công trình. Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, trình Chính phủ phương án và giải pháp vĩ mô bình ổn giá, sớm có chính sách bù giá, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nhà thầu xây dựng. Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng, Chính phủ có giải pháp chung để xử lý vấn đề này.
Bộ KH&ĐT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thường xuyên cập nhật biến động giá, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng trên địa bàn để hướng dẫn chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thực hiện.
Tránh tâm lý thi công cầm chừng chờ điều chỉnh
Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, thực tế các địa phương áp dụng nhiều hợp đồng trọn gói, đơn giá cố định nên khi giá vật liệu tăng cao thì phần dự phòng không đủ, dẫn đến nhà thầu có tâm lý chờ đợi, để có hướng dẫn điều chỉnh, hoặc chờ giá giảm.
Đề nghị Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, tuy nhiên, phân tích từ góc độ pháp lý, ông Nguyễn Đăng Trương, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị thuộc Bộ KH&ĐT chia sẻ, việc cho phép bù giá với hợp đồng trọn gói không đơn giản. Thứ nhất, theo quy định khi áp dụng hợp đồng trọn gói, giá gói thầu để làm căn cứ xét duyệt trúng thầu đã bao gồm cả chi phí dự phòng trượt giá; giá dự thầu bao gồm tất cả chi phí cho các yếu tố rủi ro và chi phí trượt giá có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng. Nhà thầu khi ký hợp đồng trọn gói đã cam kết trong bất kỳ tình huống nào cũng phải thanh toán theo giá trọn gói đã ký. Bên cạnh đó, nếu có đồng ý bù giá thì nguồn ở đâu cũng là vấn đề lớn. Hầu như các dự án xây lắp khi đấu thầu tiết kiệm rất thấp, dự phòng đã được đưa vào giá ký hợp đồng.
Đại diện Cục Kinh tế xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cũng cho biết, với hợp đồng trọn gói, đơn giá cố định qua rà soát Bộ Xây dựng chưa thấy có đủ căn cứ pháp lý để đề xuất điều chỉnh. Luật Đấu thầu quy định rõ phần dự phòng cho việc trượt giá, dự phòng khối lượng. Bộ Xây dựng đang tiếp tục nghiên cứu, làm việc với các bộ liên quan để sớm có tham mưu với Chính phủ, Quốc hội về vấn đề này.
Ông Nguyễn Đăng Trương lưu ý thêm, năm 2009 sau khi Thủ tướng đồng ý về việc bù giá, Bộ Xây dựng có hướng dẫn, thì việc bù giá cũng không phải một sớm một chiều mà thực hiện được, có thể sau khi quyết toán mới làm được. Thời điểm này lãnh đạo các địa phương cần chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương yêu cầu nhà thầu thực hiện hợp đồng đã ký, tránh tâm lý chờ đợi vì dù có được bù giá cũng khó thực hiện ngay.
Ông Dương Bá Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư thuộc Bộ Tài chính đề nghị, trong khi chưa có điều chỉnh, các chủ đầu tư khẩn trương đôn đốc nhà thầu thi công, có khối lượng nhanh đưa ra thanh toán sớm cũng sẽ đỡ chịu tác động tăng giá.