Nhà thầu “tiến thoái lưỡng nan”, chờ điều chỉnh, bù giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều nhà thầu cho biết đang ở thế tiến thoái lưỡng nan trước cơn “bão giá”. Với gói thầu đã trúng thì buộc phải “bấm bụng” chịu lỗ để thực hiện, trông chờ cơ chế bù giá (nếu có). Còn với những gói thầu mới, nhà thầu càng lớn càng tỏ ra dè dặt, không muốn tham gia, vì càng làm càng lỗ.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Ngược lại với biến động giá sắt thép thế giới, giá thép tại Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức cao. Theo diễn biến sức nóng của giá xăng dầu, giá thép trong nước ngày 16/3 cũng bị đẩy lên từ 460 - 610 đồng/kg tùy hãng và giữ nguyên đến hôm nay (15/4). Cùng với đó, giá các nguyên vật liệu phục vụ cho hoạt động xây dựng cũng gia tăng liên tục và neo ở mức cao, vượt đỉnh so với thời gian trước.

Theo ông Phạm Văn Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Constrexim 1 (Confitech), so với thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá thép tăng khoảng 50%, giá nhôm tăng 60 - 70%, giá đồng cũng vậy. Xăng dầu tăng giá liên tục, có thời điểm tới gần 100%, cũng tác động mạnh mẽ với chi phí vận chuyển nguyên vật liệu. Ngoài ra, nhà thầu hiện cũng rất khó khăn trong việc huy động nhân sự là công nhân. Giá nhân công trong thời điểm trước và sau Tết có lúc tăng tới 80%, do khan hiếm lao động. Thời điểm trước, lợi nhuận của doanh nghiệp xây lắp vốn đã giảm khoảng 3 - 5% nhưng với mức tăng giá vật liệu lên tới 50 - 80% thì doanh nghiệp không có cách nào bù đắp được chi phí này.

Một nhà thầu xây dựng khác ở Quảng Bình cho biết phải đành chấp nhận thua lỗ để thực hiện các hợp đồng trọn gói được ký trước đó. Theo nhà thầu này, các dự án thi công đường giao thông bằng vốn ngân sách nhà nước triển khai thời gian dài đều có điều khoản hợp đồng điều chỉnh giá, nhưng việc điều chỉnh được thực hiện theo giá nhà nước công bố nên vẫn khó theo kịp giá thị trường.

Với những sức ép này, một vài nhà thầu cho biết không muốn tham dự thầu, ký hợp đồng trọn gói một số gói thầu mới, đặc biệt những nhà thầu, doanh nghiệp xây dựng càng lớn thì càng làm càng lỗ.

Theo ông Bùi Tấn Lực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, tại một số gói thầu đã xuất hiện tình trạng các nhà thầu kéo dài thời gian thi công, giãn tiến độ để tìm cách xoay sở trong thời gian “bão giá” hiện nay. Cách làm này về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới tiến độ các công trình, dự án có nguồn vốn đầu tư công, gây nguy cơ chậm tiến độ, vi phạm hợp đồng, tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công không đảm bảo.

Do vậy, ông Lực đề nghị, với các gói thầu có hợp đồng trọn gói, chưa triển khai thi công thì kiến nghị các bên liên quan, cấp có thẩm quyền tạm dừng triển khai, bám sát giá thị trường, làm thông báo giá và điều chỉnh giá kịp thời trước khi triển khai thi công để hỗ trợ nhà thầu.

"Với các công trình đã được triển khai thi công, thì không còn cách nào khác là chờ Chính phủ, các cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh giá, bù giá", ông Lực cho biết.

Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam dự kiến có kiến nghị, đề xuất tới Chính phủ, Bộ Xây dựng… xem xét xử lý tình huống tăng giá vật liệu xây dựng quá cao như hiện nay vào diện tình huống bất khả kháng, để từ đó điều chỉnh giá, bù giá hỗ trợ cho nhà thầu.

Tin cùng chuyên mục