Làm gì giúp nhà thầu chống chọi với “bão giá”?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều đơn giá lập dự toán không theo kịp diễn biến thị trường khiến nhà thầu gặp không ít khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh chi phí đầu vào cho xây dựng tăng chóng mặt thời gian qua. Nhà thầu đang chờ đợi cả giải pháp tháo gỡ kịp thời cho vấn đề trước mắt cũng như lâu dài để giảm bớt rủi ro khi phải đối mặt với các cơn “bão giá” có thể xuất hiện trong tương lai.
Chi phí vật liệu, nhiên liệu, ca máy, thiết bị nhân công tăng làm đội chi phí của nhà thầu, chậm tiến độ các dự án đầu tư xây dựng. Ảnh: Lê Tiên
Chi phí vật liệu, nhiên liệu, ca máy, thiết bị nhân công tăng làm đội chi phí của nhà thầu, chậm tiến độ các dự án đầu tư xây dựng. Ảnh: Lê Tiên

Một trong những đơn giá áp dụng lập dự toán mà nhiều nhà thầu phản ánh đang thấp hơn rất nhiều giá thực tế là đơn giá nhân công.

Theo ông Phạm Xuân Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kỹ thuật và Đầu tư Phước An, rất nhiều công việc nhà thầu phải thuê nhân công với đơn giá thị trường cao hơn nhiều so với trong dự toán. Ví dụ đơn giá dự toán nhân công bậc 3/7, nhóm I là 219.764 đồng mỗi ngày công nhưng thực tế thuê trên 350.000 đồng; thợ bậc 4/7 là 260.850 đồng, thực tế thuê trên 450.000 đồng, thậm chí có thời điểm 500.000 đồng cũng khó thuê được thợ. Đó là chưa kể đến những chi phí phát sinh theo từng thời điểm. Cụ thể trong đợt dịch Covid-19, để đưa một người thợ từ quê ra công trình, có lúc nhà thầu phải hỗ trợ tới 1,5 triệu đồng cho 1 lần di chuyển. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, có xu hướng công nhân xây dựng chuyển sang làm các ngành nghề khác, dẫn đến khan hiếm nguồn nhân lực có tay nghề và giá nhân công tăng cao.

Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng tại Khánh Hòa cho biết, đơn giá nhân công thực tế nhà thầu phải thuê trên địa bàn từ 450.000 - 550.000/ngày công, có nơi 750.000 đồng, trong khi đơn giá được công bố chỉ khoảng 200.000 - 300.000 đồng/ngày công. Đơn giá nhân công ngay tại thời điểm đấu thầu đã thấp hơn thị trường rồi, khi tham dự thầu, nhà thầu xác định lỗ ở phần giá nhân công, lấy giá vật liệu, giá ca máy bù vào khoản lỗ này. Nhưng giờ chi phí vật liệu, nhiên liệu, ca máy, thiết bị cũng tăng rất nhiều.

Trong khi giá biến động mạnh, thì theo nhà thầu này, việc công bố giá thường là theo quý cũng khiến cho dự toán không theo kịp thị trường. Ví dụ gói thầu mà đơn vị tham gia, thời điểm lập thiết kế là tháng 1/2022, đơn vị tư vấn phải lấy giá quý IV/2021, giá của tháng 1/2022 thì đến tháng 3/2022 mới công bố. Chênh lệch giá tại thời điểm đấu thầu rất lớn, nhưng nhiều đơn vị không cập nhật lại giá gói thầu vì nếu vượt so với dự toán lập thì phải trình duyệt lại. Nhiều đơn vị không muốn thực hiện quy trình này vì liên quan nhiều thủ tục.

Bối cảnh hiện nay, nhiều nhà thầu chia sẻ, đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan, làm đúng tiến độ thì bù lỗ, tạm dừng chờ giá giảm thì bị phạt tiến độ, có thể khó tham gia các gói thầu sau này.

Trao đổi với giới truyền thông, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh nhận định, thời gian qua, giá cả nhiên liệu, vật liệu xây dựng chủ yếu có nhiều biến động, liên tục tăng, vượt ngoài khả năng dự báo. Trong khi đó, việc công bố giá và chỉ số giá xây dựng của hầu hết địa phương đều có độ trễ so với diễn biến thị trường. Giá nhân công, máy thi công công bố tại một số địa phương cũng chưa phản ánh đúng mức giá thị trường. Việc chậm công bố là một trong những nguyên nhân tác động đến dữ liệu tính toán, dự trù chi phí các dự án đầu tư xây dựng và điều chỉnh giá trong công tác thanh, quyết toán hợp đồng các gói thầu xây dựng đang triển khai, nhiều nhà thầu thi công cầm chừng, làm chậm tiến độ để chờ công bố giá...

Ông Bùi Hồng Minh cho biết, Bộ Xây dựng đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan, địa phương để có giải pháp tháo gỡ khó khăn. Trong đó, trước tình hình giá nhiên liệu xăng, dầu và một số loại vật liệu như thép tăng liên tục, nhiều lần trong một tháng, việc xác định giá công bố theo tháng là chưa đáp ứng kịp thời giá cả thị trường, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương theo dõi sát và tổ chức công bố giá cho các loại vật liệu khi có sự biến động.

Ở góc độ nhà thầu, nhiều nhà thầu rất mong Nhà nước có giải pháp bình ổn giá nguyên vật liệu, công bố giá kịp thời, xem xét có giải pháp tháo gỡ cho các gói thầu đã ký hợp đồng trọn gói, đơn giá cố định như đã thực hiện trong đợt “bão giá” năm 2008. Về lâu dài, việc áp dụng hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định cần có sự xem xét, áp dụng phù hợp hơn với tính chất gói thầu và sự biến động lớn của thị trường. Bên cạnh đó, một số nhà thầu cho biết, trong bối cảnh giá tăng mạnh, nhiều chủ đầu tư chỉ tạm ứng 15% giá trị hợp đồng, trong khi quy định cho phép tạm ứng đến tối đa 30%, vì thế đề xuất tăng tỷ lệ tạm ứng, linh hoạt với các mốc thanh toán để nhà thầu chủ động nguồn vật tư, vật liệu và nhân công, đẩy nhanh tiến độ các công trình.

Tin cùng chuyên mục