Việc tháo gỡ các thủ tục để thúc đẩy giải ngân đầu tư công nhanh có thể tạo ra một cú hích quan trọng cho nền kinh tế. Ảnh: Tường Lâm |
Doanh nghiệp mong mỏi cơ chế chính sách thuận lợi
Kết quả khảo sát doanh nghiệp (DN) trong tháng 4 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thực hiện cho thấy, DN đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ khi đã kịp thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ để giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn. Hàng loạt gói giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đã được Chính phủ ban hành như: miễn, giảm phí, lệ phí; hỗ trợ tín dụng và điều hành giá…
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, kết quả khảo sát cũng chỉ ra, điều mong mỏi nhất của cộng đồng DN hiện nay chính là Chính phủ thực hiện triệt để việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo việc hiểu và thực hiện đúng các quy định, chính sách của đội ngũ cán bộ thực thi, không gây khó khăn, sách nhiễu cho DN hơn là các hỗ trợ bằng tiền từ phía Nhà nước.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mặc dù tình hình đã được cải thiện, các DN vẫn còn rất khó khăn và cần những biện pháp trợ giúp kịp thời từ Chính phủ, trong đó có các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Ông Lộc cho rằng, hiện chỉ riêng khoản đầu tư công cho các dự án hạ tầng đã có trong kế hoạch là khoản “tiền tươi, thóc thật”, là cơ hội việc làm… cho nhiều DN. Vì vậy, theo ông Lộc, cần tập trung tháo gỡ ngay các thủ tục phiền hà đang cản trở đầu tư công để có thể giải ngân sớm nguồn vốn này. “Nếu tháo gỡ được thủ tục, giải ngân nhanh được trong năm nay thì ta đã có thể tạo ra một cú hích quan trọng cho nền kinh tế”, đại diện VCCI nhìn nhận.
Tuy nhiên, nhìn lại những chuyển động cải thiện môi trường kinh doanh từ đầu năm đến nay, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết: “Đáng tiếc là hoạt động cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh từ cuối năm 2019 đến nay chưa có chuyển động nào đáng kể”. Theo bà Thảo, những cải cách này không cần phải dùng đến ngân sách nhà nước nhưng lại hỗ trợ rất lớn cho DN trong việc thực hiện các thủ tục một cách đơn giản, thuận lợi nhất, từ đó tập trung thời gian, nguồn lực, trí tuệ phục hồi sản xuất kinh doanh, nhất là sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Số liệu khảo sát của Bộ KH&ĐT cũng cho thấy, tại thời điểm khảo sát (từ 10/4 -20/4/2020) chỉ có 2,9% số DN chính thức nhận được hỗ trợ từ các chính sách; 64,6% DN đã biết tới các chính sách hỗ trợ nhưng chưa biết đầu mối để tiếp cận…
Việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ DN còn rất hạn chế do một số nguyên nhân như: Thủ tục hành chính rườm rà, quy trình phức tạp, tiến độ thực hiện chậm, thái độ và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ thực thi chính sách chưa thực sự mang tính hỗ trợ, đồng hành cùng DN. Một số nơi còn hiểu chưa đầy đủ và áp dụng cứng nhắc các quy định, biện pháp về phòng, chống dịch bệnh, gây khó khăn cho việc sản xuất, kinh doanh, lưu chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu của DN...
Thúc đẩy cải cách, tranh thủ cơ hội tái khởi động nền kinh tế
Khẳng định đẩy mạnh cải cách thể chế là nền tảng quan trọng nhất để Việt Nam có thể nắm bắt, tận dụng hiệu quả các cơ hội nhằm bứt phá hậu Covid-19, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2020 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Chúng ta đã chứng kiến tinh thần “chống dịch như chống giặc”, giờ đây, tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần phải được thúc đẩy”.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải xắn tay vào làm, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho DN với một tinh thần cải cách, đổi mới thúc đẩy phát triển. “Chúng ta cần lưu ý trong giải quyết công việc, không phải quyền anh, quyền tôi lúc này mà chính là vì đất nước, vì dân tộc, vì 100 triệu dân, cần quán triệt để có sự hợp tác thành công”, Thủ tướng quán triệt.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập cản trở DN phát triển.
“Các bộ, ngành, địa phương ưu tiên giải quyết các khó khăn của DN thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý và xác định đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong hành động; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp gây nhũng nhiễu, thao túng, chi phối khi thực thi công vụ, vi phạm quy định của pháp luật, làm chậm thời gian, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao; thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trình độ, không đáp ứng được yêu cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị.
Thúc đẩy cải cách, tranh thủ cơ hội tái khởi động nền kinh tế, tại Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ KH&ĐT tiếp tục đề xuất các giải pháp thúc đẩy đầu tư công, tạo cơ hội cho các DN.
Bên cạnh đó, để tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, được biết, thời gian tới Chính phủ sẽ triển khai nhiều chương trình cải cách mới với một loạt nhiệm vụ, giải pháp mới.