Giá thép “hạ nhiệt”, nhà thầu chưa hết khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tính từ đầu tháng 6/2021 đến nay, thép xây dựng trong nước đã có 2 đợt giảm giá sau một thời gian dài tăng phi mã. Tuy nhiên, theo các nhà thầu xây dựng, dù giảm nhưng giá thép trong nước vẫn ở mức cao. Đặc biệt, có dự báo cho thấy, một mặt bằng giá thép mới có thể được thiết lập không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực và toàn cầu trong thời gian tới.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Xu hướng giảm

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), so với thời điểm cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2021, giá thép xây dựng đến ngày 22/6/2021 đã giảm khoảng 750.000 đồng/tấn đến 1,5 triệu đồng/tấn, tùy theo thương hiệu và sản phẩm.

Cụ thể, giá thép cuộn CB240 của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát hiện ở mức 16.600 đồng - 16.700 đồng/kg; thép cây D10 ở mức 16.800 - 17.100 đồng/kg. Tương tự, thương hiệu thép Việt Đức tại miền Bắc và miền Trung cũng thông báo giảm mạnh giá bán, thép cuộn CB240 ở mức trên 16.600 - 17.000 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.900 - 17.300 đồng/kg. Thương hiệu thép Pomina tại miền Trung và miền Nam với dòng thép cuộn CB240 ở mức trên 16.100 - gần 16.300 đồng/kg; thép thanh D10 CB300 có mức giá 17.000 - trên 17.100 đồng/kg…

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, diễn biến giá thép trên thị trường đang có lợi hơn cho nhà thầu là một tin mừng. Tuy vậy, theo ông Hải, dù giảm nhưng mức giá này vẫn còn cao.

Theo VSA, giá thép xây dựng trong nước giảm là do yếu tố chính từ cung cầu thị trường, trong đó giá nguyên liệu, giá thép của thế giới, khu vực và đặc biệt thị trường Trung Quốc được kiểm soát. Ở trong nước, nhu cầu thép cũng giảm do yếu tố mùa vụ: miền Nam đang mùa mưa, các công trình giãn tiến độ do giải ngân vốn chậm… “Ngoài ra, những động thái khuyến cáo của cơ quan nhà nước và VSA cũng có những ảnh hưởng nhất định trong việc lành mạnh hóa thị trường”, đại diện VSA nhìn nhận.

Trước đó, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ cho biết, diễn biến tăng đột biến giá thép xây dựng nói riêng và các loại vật liệu xây dựng nói chung đã gây thiệt hại quá lớn cho các nhà thầu xây dựng. VACC nhấn mạnh, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các bộ ngành thì nhiều nhà thầu sẽ thua lỗ nặng, phải ngừng thi công, thậm chí phá sản.

Nhà thầu xây dựng vẫn khó khăn

Xác nhận giá thép đang có xu hướng giảm, song ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cho rằng, những khó khăn của các nhà thầu xây dựng đã được VACC kiến nghị các cơ quan chức năng (cả ngắn và dài hạn) vẫn chưa được giải quyết.

“Trong một thời gian dài, đặc biệt là 3 tháng nay, Hiệp hội có nhiều hội thảo, văn bản “cầu cứu”, song cơ bản những kiến nghị của VACC chưa được giải quyết. Phía Bộ Công Thương có đưa ra một số giải pháp về sản xuất, giảm bớt căng thẳng, song đấy không phải là vấn đề gốc rễ. Vấn đề nhà thầu kiến nghị là xử lý giá thì vẫn chưa được giải quyết”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Ông Lê Viết Hải hy vọng thời gian tới, giá thép còn tiếp tục giảm về mức phù hợp hơn. “Do giá thép tăng phi mã cộng với những tác động của dịch Covid-19, nhà thầu xây dựng Việt Nam, trong đó có các nhà thầu tư nhân gặp rất nhiều khó khăn”, ông Hải cho biết.

Dự báo về tình hình giá thép thời gian tới, VSA nhận định, có thể giá thép sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới, bởi việc quay trở lại với mốc giá bình ổn trước đại dịch là rất khó. VSA khuyến nghị doanh nghiệp sản xuất thép luôn phải tham khảo dự báo tin cậy từ các tổ chức uy tín thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Hiệp hội Thép thế giới (WSA)… để điều chỉnh, cân đối giá bán với sự biến động của giá nguyên vật liệu, giá thành sản xuất. Về phía các nhà thầu xây dựng, nên đưa ra phương án kinh doanh, tính toán phù hợp nhằm giảm thiểu rủi ro do giá thép cao.

Trong bối cảnh nhà thầu còn rất nhiều khó khăn, đại diện VACC mong mỏi các cơ quan chức năng cần nhanh hơn nữa trong việc triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu xây dựng bị ảnh hưởng bởi giá thép tăng đột biến. Nếu những khó khăn không được tháo gỡ kịp thời thì các doanh nghiệp khó có thể phục hồi được hoạt động, kể cả khi giá thép có giảm sâu thêm.

Tin cùng chuyên mục