Theo số liệu của một số hợp đồng xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước thi công trong quý I/2021, tỷ lệ thiệt hại do giá thép tăng đột biến dao động từ 4,5 - 6% tổng giá trị hợp đồng. Ảnh: Lê Tiên |
VACC cho biết, theo số liệu tổng hợp của một số hợp đồng xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước triển khai thi công trong quý I/2021, tỷ lệ thiệt hại do giá thép tăng đột biến dao động từ 4,5 - 6% tổng giá trị hợp đồng. Chưa kể thiệt hại do yếu tố tăng giá của các vật liệu khác như cát, xi măng, cáp điện…
Thời gian qua, hàng chục nhà thầu ở các địa phương như: Cà Mau, Tiền Giang… đã đồng loạt ký tên vào các văn bản “cầu cứu” cơ quan chức năng có giải pháp hỗ trợ khi giá thép tăng phi mã. Trên thị trường, diễn biến giá thép nói riêng và giá nhiều loại vật liệu xây dựng khác vẫn đang phức tạp, gây thiệt hại lớn cho nhà thầu xây dựng. Thông tin thị trường trong nước ngày 27/5/2021 cho thấy, giá thép vẫn neo ở mức cao trên cả 3 miền, dao động từ 17.000 - 18.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thép xây dựng thời điểm cuối quý IV/2020 chỉ khoảng 12.000 đồng/kg.
“Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành thì nhiều nhà thầu xây dựng sẽ thua lỗ nặng, phải ngừng thi công, thậm chí phá sản”, VACC nhấn mạnh.
Để “cứu” các nhà thầu trước nguy cơ “vỡ trận”, phá sản do giá thép xây dựng tăng đột biến, VACC đề xuất với Bộ Xây dựng một số giải pháp.
Ngày 19/4/2021, VACC có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị về giá vật liệu xây dựng. Tại văn bản này, VACC kiến nghị Chính phủ cần có những biện pháp quyết liệt để bảo vệ các nhà thầu xây dựng trước nguy cơ phá sản do giá thép tăng phi mã trong 4 tháng đầu năm 2021.
Trước hết, đối với các gói thầu sử dụng vốn nhà nước, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có hướng dẫn điều chỉnh giá sắt thép xây dựng và một số vật liệu tăng đột biến cho các hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định đã có thời gian thực hiện hợp đồng thi công từ ngày 1/1/2021 trở đi.
Nhằm tránh bị lợi dụng, nảy sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện giải pháp này, VACC nhấn mạnh, cần quy định danh mục chủng loại sắt thép và các loại vật liệu được phép điều chỉnh giá; hướng dẫn thời gian và khối lượng điều chỉnh phù hợp với mỗi loại hợp đồng. Cùng với đó, phần giá trị khối lượng bù lập thành phụ lục riêng, trong đó không tính các khoản chi phí gián tiếp tính theo tỷ lệ % như quy định hiện hành để giảm vốn đầu tư của Nhà nước.
Thứ hai, Hiệp hội đề xuất Bộ Xây dựng giao cho Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài chính các tỉnh, thành phố công bố giá vật liệu xây dựng để điều chỉnh theo từng tháng, phù hợp với mặt bằng thị trường theo từng thời điểm ở mỗi địa phương.
Đối với gói thầu sử dụng vốn khác, theo VACC, về nguyên tắc, các chủ đầu tư và nhà thầu căn cứ vào hợp đồng, khối lượng thi công theo từng thời điểm, giá và chênh lệch giá để thương lượng thỏa thuận trong phụ lục giải quyết kèm theo hợp đồng.
Nhiều nhà thầu xây dựng bày tỏ mong muốn những giải pháp nêu trên sớm được các cấp thẩm quyền chấp thuận nhằm “cứu” nhà thầu xây dựng, nhất là nhà thầu tại các công trình sử dụng nhiều vật liệu thép (xây dựng nhà, nhà xưởng…).