Khi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong nước thực hiện 8 dự án PPP trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông, việc huy động tín dụng sẽ khó khăn vì nguồn vốn đầu tư cho các dự án này rất lớn. Ảnh: Lê Tiên |
Tín dụng khó trăm bề
Nhằm kêu gọi các nguồn lực trong nước và quốc tế tham gia đầu tư vào cao tốc Bắc - Nam, một đại dự án với số vốn khổng lồ, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu quốc tế sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện 8 dự án nêu trên. Quá trình sơ tuyển đã thu hút sự tham gia của 60 nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, sau khi có kết quả sơ tuyển và nhận thấy lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao nên Bộ GTVT đã phải đi đến quyết định hủy sơ tuyển và sẽ rà soát, điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để đấu thầu lại 8 dự án này.
Trả lời câu hỏi của báo chí trong buổi họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận, khi đấu thầu lại 8 dự án PPP để lựa chọn nhà đầu tư trong nước thực hiện thì việc huy động tín dụng cho dự án sẽ rất khó khăn vì nguồn vốn đầu tư rất lớn. Bộ GTVT sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để nghiên cứu, đề xuất một số kiến nghị, giải pháp thu xếp tín dụng cho các dự án thành phần, nhưng thu xếp được đến đâu còn phụ thuộc vào các quy định của phía NHNN, tính khả thi của phương án tài chính của các dự án thành phần.
Trên thực tế, động thái “siết tín dụng” của NHNN trong mấy năm gần đây thông qua việc tăng cường kiểm soát hoạt động cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông đã và đang làm “vắng bóng” các dự án đầu tư theo các hình thức này. Theo NHNN, lý do của việc phải “siết tín dụng” đối với các dự án BOT, BT giao thông là vì việc cấp tín dụng đối với loại dự án này tiềm ẩn rủi ro trong dài hạn (các dự án có tổng mức đầu tư lớn, thời gian cho vay dài, năng lực tài chính của nhà đầu tư hạn chế). Hơn nữa, tài sản bảo đảm chủ yếu trong các dự án BOT, BT là quyền thu phí, trong khi chính sách phí chưa thực sự ổn định, nguy cơ chuyển nợ sang nhóm nợ xấu là rất lớn. So với các dự án BOT, BT giao thông thời gian qua thì các dự án PPP trên cao tốc Bắc - Nam có tổng vốn đầu tư lớn hơn rất nhiều, nên việc tìm ra phương án tín dụng cho các dự án PPP này sẽ càng khó khăn hơn.
Sẽ không bảo lãnh doanh thu
Tại Hội nghị kêu gọi đầu tư Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được Bộ GTVT tổ chức vào tháng 5/2019, nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế bày tỏ sự quan tâm đối với nội dung bảo lãnh doanh thu dự án PPP.
Theo các nhà đầu tư, bảo lãnh doanh thu để cân bằng rủi ro sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm khi tham gia các dự án PPP. Kết quả tổng hợp của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong số 57 dự án BOT do cơ quan này quản lý, có 26 dự án doanh thu năm 2018 giảm so với phương án tài chính, có những dự án chỉ đạt dưới 50%. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, trong tháng 10/2019, Bộ sẽ cho rà soát lại, điều chỉnh các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư trong nước thực hiện Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Việc đấu thầu lại 8 dự án PPP nói trên sẽ phải tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu và không có việc bảo lãnh doanh thu dự án.
Trả lời câu hỏi nên chia nhỏ 8 dự án PPP thành phần để phù hợp với năng lực tài chính và kinh nghiệm thực hiện dự án cũng như khả năng thu xếp tín dụng cho dự án hay không, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, khi rà soát để tổ chức đấu thầu lại 8 dự án PPP thì chỉ nghiên cứu, điều chỉnh tiêu chí kinh nghiệm phù hợp với nhà đầu tư trong nước. 8 dự án PPP này đã chốt vị trí, độ dài, đã có sự nghiên cứu về kết nối giao thông, tính hợp lý về trạm thu phí hoàn vốn, xác định tính pháp lý, tính kỹ thuật và tính kinh tế, nên sẽ không thay đổi. Trường hợp khi tổ chức đấu thầu lại vẫn không tìm được nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội để có phương án xử lý như sử dụng vốn ngân sách để thực hiện chứ không tiến hành chỉ định nhà đầu tư thực hiện.