Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Vướng mắc chủ yếu ở khâu thi hành luật
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Thư ký Tổ công tác Thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cho biết, quá trình rà soát và lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, tổ chức tư vấn, luật sư về 2 Luật này cho thấy, mặc dù những nội dung đổi mới của 2 Luật về cơ bản đã đi vào cuộc sống, nhưng trên thực tế cũng gặp không ít vướng mắc phát sinh với cấp độ khác nhau.
So với Luật Đầu tư thì vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Doanh nghiệp không nhiều, các vướng mắc phát sinh chủ yếu mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ, liên quan tới năng lực của Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia; thái độ và cách thức làm việc của các công chức, cơ quan có liên quan. Trong khi đó, Luật Đầu tư với quy mô và mức độ đổi mới rất lớn, được thực hiện trên phạm vi rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều văn bản pháp luật, nhiều cơ quan nhà nước quản lý các lĩnh vực khác nhau từ Trung ương đến địa phương nên phát sinh rất nhiều vấn đề. “Tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Đầu tư cần thời gian và sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương với tinh thần tất cả vì doanh nghiệp, vì sự minh bạch của môi trường đầu tư”, ông Cung nhận định.
Chia sẻ điều này, ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, 2 Luật đã có những quy định đổi mới nhưng nhận thức của các địa phương, bộ, ngành vẫn chưa có sự thay đổi tương ứng, vẫn “hành xử” theo lối cũ, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Đơn cử, một số bộ chưa nhận thức đúng thẩm quyền ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh theo Luật Đầu tư, nên thực tế có những văn bản pháp luật được ban hành sau thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2015) vẫn đưa ra quy định về điều kiện kinh doanh.
Vẫn “đẻ” thêm thủ tục hành chính
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, quá trình gỡ vướng để những tiến bộ của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đi vào cuộc sống là hết sức gian nan. Việc ban hành 2 luật này được đánh giá là đột phá về cải cách thể chế, nên quá trình thực thi sẽ càng gặp nhiều khó khăn vì tư duy, hành động, nhận thức của các bộ, ngành, địa phương vẫn không thay đổi. “Trong thực thi luật vẫn thiếu sự đồng bộ, việc thực hiện cải cách hành chính chỉ tích cực ở một số nơi, mà không có sự nhất quán từ trên xuống dưới. Điều này phần nào được ghi nhận trên thực tế khi theo thống kê hiện có tới 33 thông tư ban hành trái với Luật Đầu tư”, ông Lộc nhấn mạnh.
Bày tỏ đồng tình, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, hiện nay, nhiều bộ, ngành vẫn “đẻ” thêm các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Thậm chí, một số bộ đang tiếp tục soạn thảo, ban hành các thông tư trong đó có quy định trái thẩm quyền về điều kiện kinh doanh hoặc có những văn bản hết hiệu lực nhưng vẫn đang được áp dụng.
Phát biểu tại cuộc họp của Tổ công tác Thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp ngày 6/4, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh trăn trở: “Đừng vì sự bảo thủ của chúng ta mà làm khó doanh nghiệp, quan điểm của tôi là phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chỉ đạo, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp là vấn đề cấp thiết hiện nay và cũng là việc cần phải làm thường xuyên vì doanh nghiệp và vì sự minh bạch của môi trường đầu tư Việt Nam.
Theo đó, trước mắt, cần sớm ban hành 1 nghị định xử lý ngay những quy định chéo nhau đang gây khó khăn, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Song song với đó, khẩn trương làm thí điểm và nhân rộng các điển hình trong việc thực thi tốt Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, sau đó công bố rộng rãi. Việc làm này sẽ góp phần tạo áp lực lên các địa phương, bộ ngành khác phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật.