Gỡ khó khan hiếm vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam: Chính quyền địa phương cần vào cuộc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhu cầu sử dụng các loại vật liệu phục vụ thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông là rất lớn. Tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng thời gian qua không chỉ khiến nhiều nhà thầu thi công lao đao mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hệ lụy khó lường đối với tiến độ và chất lượng của đại dự án này.
Các địa phương cần tiếp tục rà soát các mỏ vật liệu, đẩy nhanh thủ tục chấp thuận nguồn vật liệu, cấp phép khai thác mỏ để sớm tổ chức khai thác. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Các địa phương cần tiếp tục rà soát các mỏ vật liệu, đẩy nhanh thủ tục chấp thuận nguồn vật liệu, cấp phép khai thác mỏ để sớm tổ chức khai thác. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Dự án Xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng, tổng chiều dài 11 dự án thành phần là 654 km, đi qua địa phận 13 địa phương.

Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), nhu cầu vật liệu xây dựng để thi công Dự án cần khối lượng đất đắp khoảng 60,7 triệu m3, khoảng 21,5 triệu m3 đá các loại, khoảng 10,8 triệu m3 cát các loại. Quá trình lập dự án, lập thiết kế kỹ thuật, tư vấn thiết kế đã tiến hành khảo sát, đề xuất sử dụng các mỏ vật liệu theo đúng quy định về đầu tư xây dựng cơ bản. Khi tổ chức đấu thầu, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án (QLDA) đã yêu cầu các nhà thầu, nhà đầu tư chủ động khảo sát các mỏ vật liệu, xác định nguồn cung cấp cho từng gói thầu, dự án mình quan tâm.

Tuy nhiên, thời gian qua, sau khi trúng thầu và triển khai thi công, nhà thầu gặp không ít khó khăn do nguồn cung vật liệu xây dựng bị khan hiếm. Một số mỏ vật liệu đã được tư vấn chỉ ra trong hồ sơ thiết kế, khảo sát ban đầu không đáp ứng được nhu cầu. Các mỏ đất, đá đang hoạt động phải chia sẻ, cung cấp cho các dự án khác của địa phương khiến các nhà thầu tranh mua mỏ có cự ly vận chuyển gần để giảm giá thành, công suất của mỏ không đáp ứng kịp tiến độ yêu cầu. Bên cạnh đó, một số mỏ đã hết hạn khai thác, đang chờ gia hạn cấp phép; một số mỏ trong quy hoạch của địa phương đang thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác; một số mỏ đang được khai thác nhưng chưa sẵn sàng ký kết hợp đồng để chờ giá vật liệu lên cao…

Bộ GTVT cho biết, để hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đưa vào khai thác năm 2023, Bộ đã chỉ đạo các chủ đầu tư, ban QLDA thực hiện giải pháp để bảo đảm nguồn vật liệu cung cấp cho Dự án, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà thầu thi công. Lãnh đạo Bộ GTVT đã trực tiếp kiểm tra hiện trường, làm việc với lãnh đạo các tỉnh và sở, ngành liên quan (Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính…). Đồng thời, đề nghị các tỉnh quan tâm, ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ, hoàn tất các điều kiện, thủ tục còn thiếu cho các mỏ.

Bộ GTVT cũng đề nghị lãnh đạo các tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giá vật liệu xây dựng; có giải pháp, chế tài kịp thời và phù hợp để chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia xây dựng cho biết, nếu để tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng kéo dài sẽ dẫn đến rất nhiều hệ hụy xấu đối với nhà thầu: Đó là, thua lỗ, lãng phí nhân lực và máy móc ngồi chờ vật liệu thi công, tăng chi phí thi công, phải mua ngoài vật liệu xây dựng với giá cao hoặc sử dụng vật liệu xây dựng không đúng tiêu chuẩn... Có nguy cơ chậm tiến độ, đội vốn, ảnh hưởng đến chất lượng thi công các công trình.

Vị chuyên gia này cho rằng, để giải quyết bài toán về khan hiếm vật liệu, các địa phương cần tiếp tục rà soát các mỏ vật liệu, đẩy nhanh thủ tục chấp thuận nguồn vật liệu, cấp phép khai thác mỏ để sớm tổ chức khai thác hoặc ký kết hợp đồng cung cấp cho nhà thầu thi công; yêu cầu các chủ mỏ đầu tư nâng công suất khai thác.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu việc cho phép nhà thầu vận dụng tối đa đất đá sau khi đào ra có kích cỡ không đáp ứng yêu cầu để làm vật liệu đắp nền bằng phương pháp xay nghiền, phối trộn, thí nghiệm và thi công thử trước khi áp dụng, bảo đảm các yếu tố kinh tế - kỹ thuật của dự án, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường trên nguyên tắc không làm phát sinh chi phí xây dựng.

Tin cùng chuyên mục