Gỡ khó về vốn cho dự án PPP

(BĐT) - Thời gian qua, các dự án BOT, BT giao thông đã vẽ lên một bức tranh nhiều mảng màu. Các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, đại diện các định chế tài chính đã hiến kế làm thế nào để hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) thực sự trở thành dòng chủ lưu bền vững trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Huy động vốn từ khu vực tư nhân là hướng đi bắt buộc để phát triển bền vững trong bối cảnh nước ta hiện nay. Ảnh: Lê Tiên
Huy động vốn từ khu vực tư nhân là hướng đi bắt buộc để phát triển bền vững trong bối cảnh nước ta hiện nay. Ảnh: Lê Tiên

Giải pháp thị trường cho bài toán phát triển kết cấu hạ tầng

Trong những năm qua, thông qua huy động vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP, bộ mặt hạ tầng giao thông và một số lĩnh vực khác đã có nhiều cải thiện, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.

Nói về đầu tư theo hình thức PPP trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam, bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định rằng: “Chúng ta nhận thức rất rõ ràng đầu tư công hiện nay không còn là giải pháp lâu dài để cải thiện hạ tầng cơ sở, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Huy động các kênh tài chính từ khu vực tư nhân là hướng đi bắt buộc để phát triển bền vững. PPP không chỉ là nguồn lực quan trọng về vốn đầu tư kết cấu hạ tầng mà còn là sự lựa chọn cho quản trị đầu tư và quản trị dự án hiệu quả, linh hoạt và năng động của khu vực tư nhân. Đó cũng là giải pháp thị trường cho bài toán quy hoạch - đầu tư - xây dựng - quản trị để phát triển kết cấu hạ tầng”.

Bà Lê cũng bày tỏ: “Mong muốn của những người hoạch định chính sách liên quan đến phát triển hạ tầng theo hình thức PPP là làm sao ngày càng nhiều nhà đầu tư quan tâm, gặp nhiều thuận lợi khi tham gia vào các dự án PPP. Cơ chế minh bạch, công khai, cạnh tranh khi triển khai dự án PPP cũng cần được coi là sự hấp dẫn thực sự đối với mọi nhà đầu tư khi quyết định bỏ vốn đầu tư”. 

Tìm cách gỡ vướng về tài chính

Các dự án PPP có thời gian kéo dài 5 - 10 năm, thậm chí 20 - 30 năm, nên sẽ có những khó khăn nhất định về đàm phán và thu xếp vốn. Năng lực tài chính của một số nhà đầu tư yếu, không góp đủ vốn chủ sở hữu tham  gia vào các dự án theo đúng cam kết, dẫn đến phải dừng dự án. Nhiều phương án tài chính của dự án còn chưa hợp lý, vốn đối ứng tham gia dự án thấp, khi lãi suất tăng do biến động tiền tệ sẽ gây rủi ro lớn đến việc thực hiện dự án. Đây là những trở ngại lớn đòi hỏi cần có phương án tháo gỡ để khơi thông nguồn vốn cho các dự án PPP.

Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank cho biết,  thực tiễn đàm phán triển khai các dự án PPP hạ tầng lớn, quan trọng trong lĩnh vực năng lượng và giao thông thời gian qua cho thấy, các tổ chức tín dụng nước ngoài đều yêu cầu các cơ chế bảo lãnh đặc thù cho các rủi ro về lưu lượng, doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ…

Còn ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh TP.HCM cho rằng: “Cần hỗ trợ tốt cho các tổ chức tín dụng trong quá trình tiếp cận thông tin, tìm hiểu thông tin về dự án để xem xét, thẩm định và quyết định cho vay. Vì trên thực tế, trong quá trình tiếp cận dự án, một số ngân hàng phản ánh cần tìm hiểu sâu hơn thông tin về dự án để xem xét cho vay, đồng thời, các ngân hàng phản ánh chỉ có thể xem xét đối với dự án đã có chủ đầu tư. Đối với các dự án chưa có chủ đầu tư, ngân hàng không có cơ sở thẩm định, đánh giá hiệu quả hoạt động và tỷ lệ nợ/vốn của dự án”.

Từ góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM gợi ý: “Cần thực hiện linh hoạt và đa dạng các hình thức chi trả cho nhà đầu tư theo các loại hợp đồng mới của hình thức đầu tư PPP như hợp đồng BTL, BLT, BOO, O&M… để bù bắp hạn chế của hình thức BT trong bối cảnh quỹ đất Thành phố còn hạn hẹp. Đặc biệt, cần chú trọng nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối kết hợp trong rà soát, tìm kiếm các cách để tạo nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư dự án PPP. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư và các ngân hàng, tổ chức tín dụng để đảm bảo sự đồng hành của các ngân hàng, tổ chức tín dụng và các nhà đầu tư trong hỗ trợ cho vay vốn triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ, phù hợp với quy định, góp phần tăng cường năng lực thực hiện các dự án PPP”.

Tin cùng chuyên mục