Chi phí cho một container 40 feet hàng nông sản từ Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ vào tháng 3/2021 là 7.500 USD và hiện nay là 12.000 USD. Ảnh: Lê Tiên |
Chi phí logistics quá cao
Tại một cuộc họp tìm giải pháp phát triển chuỗi cung ứng cho một số ngành trong bối cảnh Covid-19 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chi phí logistics tăng cao đang là vấn đề khiến nhiều DN xuất khẩu nông sản đau đầu.
“Nếu như tháng 11/2020, chi phí cho một container 40 feet hàng nông sản từ Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ khoảng 3.700 USD thì đến tháng 3/2021 tăng lên 7.500 USD và hiện nay là 12.000 USD”, ông Toản cho hay. Theo Lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, chi phí logistics vận tải tăng cao đã bào mòn lợi nhuận của DN. Nguyên nhân của tình trạng này được các nghiên cứu chỉ ra là do thiếu container rỗng; chi phí vận tải tăng cao; hệ thống đường sá chật hẹp, tắc đường…
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, một DN xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam cho biết, một nguyên nhân khác là do các công ty nước ngoài vẫn đang chiếm lĩnh thị trường logistics, đặc biệt là trong phân khúc vận tải quốc tế. DN logistics trong nước chưa nắm được thế chủ động nên dẫn đến chi phí tăng cao.
Nhìn rộng hơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chi phí logistics cao không chỉ ảnh hưởng riêng với ngành nông nghiệp mà là vấn đề nóng đối với nền kinh tế hiện nay. “Nếu không giảm chi phí logistics thì hàng hóa của DN Việt Nam không thể cạnh tranh được, từ đó ảnh hưởng mạnh đến sức cạnh tranh của cả nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảnh báo. Ngoài ra, chi phí logistics cao còn ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư.
Cần giải quyết tận gốc
Hóa giải “nút thắt” về chi phí logigics, thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành để thúc đẩy ngành logistics phát triển như: Quyết định số 200/QĐ-TTg năm 2017; Quyết định số 221/QĐ-TTg năm 2021… Tại các quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu giảm chi phí logistics; tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả kết nối giữa Việt Nam với các nước; hình thành các DN dịch vụ logistics đầu tàu… Tuy nhiên, thực tế quá trình thực hiện vẫn còn không ít khó khăn, hiệu quả chưa được như mong đợi.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lê Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Kho vận Việt Nam nhấn mạnh, đã gọi là “căn bệnh” thì phải bắt đúng bệnh và cho đúng thuốc. Theo đó, ông Minh cho rằng, trước hết cơ quan chức năng và các DN cần ngồi lại để làm rõ chi phí logistics đang cao ở những khâu nào, khoản đó ai thu và ai được hưởng thì mới tìm được giải pháp hợp lý.
“Chẳng hạn, về vấn đề thiếu vỏ rỗng container, chúng ta không thể buộc các hãng tàu nước ngoài cấp vỏ rỗng hay tăng chuyến vận tải cho Việt Nam, mà Nhà nước có thể hỗ trợ phí vào cảng Việt Nam, đổi lại, các hãng tàu này phải giảm tất cả chi phí cho DN Việt Nam”, ông Minh đề xuất và cho biết, vẫn còn rất nhiều dư địa như giảm chi phí nâng hạ, phí vệ sinh container…
Một số chuyên gia kiến nghị, về dài hạn, cần nghiên cứu thành lập Ủy ban Quốc gia về logistics, là cơ quan chịu trách nhiệm làm đầu mối thực thi các chương trình, mục tiêu chung của ngành, tham gia tư vấn quy hoạch và chiến lược tổng thể phát triển logistics của Việt Nam.
Để chủ động trong việc cắt giảm chi phí logistics, đại diện Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, không thể để tái diễn tình trạng DN xuất khẩu thiếu container rỗng như vừa qua. Muốn làm được điều này, theo ông Bình, phải có cơ chế, chính sách để khuyến khích DN tham gia đầu tư sản xuất container. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới trong logistics, đào tạo nhân lực chuyên nghiệp, trình độ cao về logistics; tăng cường liên kết các DN logistics; các chính sách cần đồng hành hơn nữa với DN…
Việc thực hiện đồng bộ những giải pháp để kéo giảm chi phí logistics, theo các chuyên gia kinh tế, sẽ là điều kiện quan trọng giúp nền kinh tế phục hồi, tăng sức cạnh tranh, phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh mới.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)