Gỡ vướng để thúc đẩy dự án PPP

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã ban hành, nhưng theo nhiều ý kiến, vẫn còn một số vấn đề vướng mắc ở quy định pháp luật liên quan, cần có sự tháo gỡ, sửa đổi đồng bộ để tạo thuận lợi hơn trong thực hiện, thúc đẩy dự án PPP trong thời gian tới.
Một trong những vấn đề vướng mắc cần sớm được tháo gỡ là việc xác định giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên
Một trong những vấn đề vướng mắc cần sớm được tháo gỡ là việc xác định giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), một trong những vấn đề còn vướng mắc là mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với dự án PPP đồng thời chịu sự điều chỉnh của Luật PPP và Luật Giá. Để đáp ứng đồng thời các quy định này là không thực hiện được. Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 20 Luật Giá, việc định giá phải bảo đảm nguyên tắc “phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ” (định hướng từ 5 - 10 năm). Còn theo Điều 65 Luật PPP, phương án giá, khung giá sản phẩm, dịch vụ công theo thời hạn hợp đồng dự án PPP phải xác định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ, được xác định tại thời điểm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi. Pháp luật về giá chưa có hướng dẫn về cách thức xác định giá cho cả vòng đời dự án PPP.

Nhiều địa phương kiến nghị sửa đổi quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) để mở ra thêm nhiều cơ hội đầu tư dự án PPP hơn. Cụ thể, về nhiệm vụ chi ngân sách, Khoản 9 Điều 9 Luật NSNN quy định không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác và không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác. Trên thực tế, một số dự án giao thông thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương nhưng chưa được đầu tư. Trong khi đó, địa phương sẵn sàng sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện những dự án này nhưng vướng quy định của Luật NSNN.

Ở góc độ nhà đầu tư, Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết, Nghị định số 28/2021/NĐ-CP (NĐ 28) quy định cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tham khảo lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn của các ngân hàng thương mại; lãi suất vốn vay của dự án tương tự để làm cơ sở lập phương án tài chính trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi (nếu có). Tuy nhiên, ngoài huy động vốn thông qua vay tín dụng tại các ngân hàng thương mại thì nhà đầu tư có thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Vì vậy, việc căn cứ vào lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn của các ngân hàng thương mại làm cơ sở lập phương án tài chính là chưa đầy đủ.

Đối với việc triển khai dự án, Bộ GTVT cho biết vướng mắc rất lớn là nguồn cung cấp vật liệu xây dựng. Dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cấp cho các dự án cao tốc Bắc - Nam, tuy nhiên thực tế triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cần có sự sửa đổi từ Luật Khoáng sản để giải quyết triệt để hơn…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) mới đây đã báo cáo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh - Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư, liên quan đến kết quả rà soát, kiến nghị tháo gỡ khó khăn vướng mắc thực hiện dự án PPP. Bộ đã tổng hợp 37 vấn đề, trong đó có 5 vấn đề liên quan đến quy định của 4 luật, 4 vấn đề liên quan đến quy định của nghị định, thông tư và 28 vấn đề vướng mắc do có cách hiểu chưa thống nhất.

Từ kết quả rà soát, Bộ KH&ĐT đã có kiến nghị, đề xuất tháo gỡ những vướng mắc nêu trên. Đơn cử như vướng mắc liên quan Luật Giá, Bộ KH&ĐT kiến nghị nghiên cứu, sửa đổi quy định tại Luật Giá theo hướng bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phản ánh mặt bằng giá thị trường đồng thời phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Trường hợp cần phải xử lý ngay các vướng mắc theo yêu cầu thực tiễn, đề nghị các bộ chuyên ngành trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền phương pháp định giá hàng hóa, dịch vụ trong phạm vi quản lý, báo cáo Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc nếu có.

Về kiến nghị sửa đổi Luật NSNN, Bộ KH&ĐT cho rằng, để bảo đảm sự thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, kiến nghị Bộ Tài chính và các bộ có liên quan rà soát văn bản quy phạm pháp luật và nghiên cứu, đề xuất sửa đổi theo hướng cho phép sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư, thực hiện bảo trì công trình kết cấu hạ tầng do Trung ương quản lý, đầu tư.

Với kiến nghị liên quan lãi suất tham khảo của VARSI, Bộ KH&ĐT kiến nghị nghiên cứu, sửa đổi NĐ 28 theo hướng bổ sung tham khảo về lãi suất phát hành trái phiếu làm cơ sở lập phương án tài chính…

Tin cùng chuyên mục