Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là sân bay quốc tế đầu tiên tại Việt Nam do tư nhân đầu tư với diện tích 325 ha và tổng mức đầu tư 7.463 tỷ đồng. Ảnh: Tuấn Minh |
Nhiều kỷ lục từ những công trình PPP
Ngày 1/9/2018, sau 38 tháng thi công thần tốc, cầu Bạch Đằng bắc qua sông Bạch Đằng trên tuyến cao tốc Hạ Long (Quảng Ninh) - Hải Phòng được khánh thành. Công trình được đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT, do Cienco 1 liên danh cùng các nhà đầu tư khác thực hiện với tổng vốn đầu tư 7.277,567 tỷ đồng. Theo Cienco 1, cầu Bạch Đằng là một trong những cầu có khẩu độ nhịp vượt sông lớn nhất hiện nay và là cầu dây văng nhiều nhịp lớn thứ 3 trên thế giới. Đặc biệt, so với các công trình có quy mô tương tự, tiến độ thi công cầu Bạch Đằng trong 38 tháng là một kỷ lục. Toàn bộ quá trình từ khảo sát thiết kế đến thi công xây dựng đều do các nhà thầu trong nước đảm nhiệm.
"Công trình cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến, sau khi đưa vào hoạt động, sẽ trở thành cầu nối quan trọng cho khu vực, giúp tiết kiệm hơn 750 giờ cho lượng ô tô qua phà, cũng như tiết kiệm hơn 80 tỷ đồng phí qua phà mỗi năm. Không chỉ giúp rút ngắn hơn 50 km tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, công trình sẽ liên kết tuyến cao tốc liên hoàn Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, tạo điều kiện giải phóng toàn bộ tiềm năng vùng. Từ đó, tạo cơ hội phát triển mang tính chiều sâu, không chỉ cho tỉnh Quảng Ninh, mà còn cho toàn bộ khu vực phía Bắc", lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nói tại lễ khánh thành cầu Bạch Đằng.
Cũng tại Quảng Ninh, ngày 30/8/2018, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - sân bay quốc tế đầu tiên tại Việt Nam do tư nhân đầu tư, chính thức đón chuyến bay đầu tiên chỉ sau hơn hai năm thi công xây dựng. Dự án đầu tư theo phương thức PPP, Tập đoàn Sun Group là nhà đầu tư, khởi công từ năm 2015. Sân bay có diện tích 325 ha với tổng mức đầu tư 7.463 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 734 tỷ đồng. Đây là cảng hàng không đạt cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II. Nhà ga có công suất 2,5 triệu hành khách/năm; khu xử lý hàng hóa công suất 10.000 tấn/năm. Đây là dự án tạo động lực tăng trưởng cho Vân Đồn nói riêng, Quảng Ninh nói chung, thúc đẩy, thu hút các nhà đầu tư đến với vùng di sản thế giới này.
Cùng ngày 30/8/2018, 2 dự án PPP khác của Quảng Ninh là cao tốc Hạ Long - Vân Đồn có tổng mức đầu khoảng 12.000 tỷ đồng, do Công ty CP BOT Biên Cương là nhà đầu tư được thông xe; Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long do Sun Group đầu tư với số vốn hơn 1.000 tỷ đồng được khai trương.
Ngày 11/1/2021, hầm Hải Vân 2 nối Thừa Thiên Huế với Đà Nẵng được khánh thành. Đây là hạng mục thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả (hầm Cổ Mã, Đèo Cả, Cù Mông và Hải Vân với tổng chiều dài toàn tuyến là 31,95 km), thực hiện theo phương thức PPP, hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư ban đầu là 26.154 tỷ đồng do Tập đoàn Đèo Cả làm nhà đầu tư. Tại lễ khánh thành, Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả thông tin, với chiều dài hầm 6,2 km (chiều dài tuyến 12,4 km bao gồm cả đường dẫn), đây là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á, do nhà đầu tư, nhà thầu Việt làm chủ từ việc đầu tư cho đến thiết kế, thi công, vận hành.
Trước đây, hầm Hải Vân 1 phải gánh cả 2 luồng xe ra vào, dẫn đến quá tải. Theo đơn vị vận hành hầm, từ khi hầm Hải Vân 2 đi vào vận hành đã giúp các phương tiện lưu thông hai hướng Bắc - Nam qua hầm được thông suốt. Tình trạng ùn tắc giao thông không còn, tầm nhìn trong hầm thông thoáng, thời gian trung bình các phương tiện qua hầm giảm hơn một nửa, giảm tai nạn giao thông...
Nhìn vào những công trình này có thể thấy thông qua mô hình PPP, nhà đầu tư tư nhân đã tham gia xây dựng nhiều lĩnh vực hạ tầng quan trọng, công trình lớn có kỹ thuật phức tạp, từ cầu, đường cao tốc, sân bay, bến cảng, hầm đường bộ xuyên núi...
Theo ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, việc một doanh nghiệp tư nhân trong nước hoàn thành dự án hầm Hải Vân chứng tỏ tính ưu việt của phương thức đầu tư PPP. Cách làm này đã giúp huy động nguồn lực xã hội vào giải quyết các vấn đề phát triển của đất nước một cách hiệu quả - tiết kiệm chi phí không nhỏ, rút ngắn đáng kể thời gian thi công và đảm bảo chất lượng công trình.
Huy động nguồn lực lớn
Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 đã xác định “thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm lợi ích thỏa đáng của nhà đầu tư, mở rộng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm…”. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), kể từ khi Nghị quyết số 13-NQ/TW được ban hành, việc thu hút vốn tư nhân theo phương thức PPP đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần cải thiện đáng kể hệ thống kết cấu hạ tầng của đất nước, thay đổi diện mạo của nhiều địa phương. Khu vực tư nhân, trong hơn 10 năm qua, đã đóng góp một nguồn lực rất lớn vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của đất nước.
Năm 2019, theo số liệu của Bộ KH&ĐT, có 29 dự án PPP với tổng mức đầu tư 7.834 tỷ đồng thực hiện lựa chọn nhà đầu tư. Năm 2020 có 25 dự án PPP thực hiện, với tổng mức đầu tư khoảng 6.482 tỷ đồng, trong đó 12 dự án đã ký hợp đồng, 6 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư, 5 dự án đang tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và 2 dự án đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư. Dự án PPP được triển khai tại 16 địa phương, trong đó Hà Nam 4 dự án, Bắc Ninh 4 dự án, Thái Nguyên 3 dự án, Bình Định 2 dự án.
Theo Bộ KH&ĐT, những dự án PPP triển khai thời gian qua dù còn có một số hạn chế, tồn tại, nhưng các công trình, dịch vụ có được từ đó đã góp phần tích cực hoàn thiện chất lượng hệ thống hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng đô thị, xử lý nước thải, rác thải… Qua đó, kịp thời giải quyết các nhu cầu bức xúc về dịch vụ công của người dân và nhu cầu cấp bách về hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kích cầu đối với sản xuất trong nước, tạo ra động lực không nhỏ thúc đẩy tăng trưởng cao trong nhiều năm qua, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.