Gỡ vướng khi di dời các cảng trên sông Sài Gòn

(BĐT) - Việc triển khai di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy Đóng tàu Ba Son đang phát sinh nhiều vướng mắc liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chậm triển khai các dự án đầu tư tại vị trí mới… Bộ Tài chính cho rằng, việc di dời vẫn phải thực hiện. Tuy nhiên, do cơ chế chính sách hiện đã có sự thay đổi, nên Bộ đề xuất Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp tháo gỡ để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này.
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích vị trí khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội đến nay chưa hoàn thành. Ảnh: Lê Tiên
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích vị trí khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội đến nay chưa hoàn thành. Ảnh: Lê Tiên

Theo Quyết định số 46/2010/QĐ-TTg ngày 24/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị, doanh nghiệp như Công ty CP Cảng Sài Gòn, các công ty trước đây là thành viên trực thuộc Cảng Sài Gòn, Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông (là công ty có vốn góp của các công ty: Công ty CP Cảng Sài Gòn, Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Bến Nghé và Tập đoàn Vingroup), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Nhà máy Đóng tàu Ba Son sẽ thực hiện di dời.

Theo đó, 433.522 m2 đất của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và 252.919 m2 đất của Tổng công ty Ba Son sẽ được sắp xếp lại theo phương án bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; khu đất cảng Nhà Rồng - Khánh Hội sẽ được chuyển mục đích sử dụng đất tại vị trí cảng cũ; ngoài ra sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp khác di dời…

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, hiện việc di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy Đóng tàu Ba Son phát sinh một số vướng mắc.

Cụ thể, đối với khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, Công ty CP Cảng Sài Gòn đang triển khai 4 dự án phục vụ di dời các đơn vị trực thuộc trên địa bàn khu cảng này. Hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích vị trí cảng cũ chưa hoàn thành; UBND TP.HCM cũng chưa xác định được thời hạn hoàn thành, chưa giải quyết xong việc xác định giá đất, giá trị tài sản trên đất không di dời được tại vị trí cảng cũ và nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, tiền tài sản trên đất nộp vào ngân sách nhà nước. Ngoài ra, theo báo cáo của Công ty CP Cảng Sài Gòn, hiện tỷ lệ vốn góp của Công ty CP Cảng Sài Gòn trong Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông chỉ còn 5,56%, chưa đảm bảo điều kiện doanh nghiệp phải di dời phải có phần vốn góp không thấp hơn 26% trong vốn điều lệ của doanh nghiệp liên doanh theo quy định được ban hành kèm Quyết định số 46/2010/QĐ-TTg.

Những khúc mắc nêu trên khiến việc triển khai các dự án đầu tư tại vị trí mới chậm do thiếu vốn. Bên cạnh đó, do cơ chế chính sách hiện nay đã có sự thay đổi so với thời điểm ban hành Quyết định số 46/2010/QĐ-TTg, nên việc thực hiện di dời các cảng trên sông Sài Gòn của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Công ty CP Cảng Sài Gòn và Nhà máy Đóng tàu Ba Son của Tổng công ty Ba Son gặp vướng mắc về pháp lý. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ một số biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải rà soát lại giá trị góp vốn của Công ty CP Cảng Sài Gòn vào Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai dự án chuyển mục đích sử dụng đất trong điều kiện tỷ lệ vốn góp của Công ty CP Cảng Sài Gòn chưa đảm bảo điều kiện của Quyết định số 46/2010/QĐ-TTg.

Bộ Tài chính đề xuất giao UBND TP.HCM quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất và quyết định giá đất để tính nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích sử dụng đất đối với vị trí cảng cũ (khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội) theo quy định của pháp luật về đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn có liên quan nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép tiếp tục thực hiện dự án.

Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất rõ nguyên tắc, những nội dung nào của Quyết định số 46/2010/QĐ-TTg mà không trái với quy định pháp luật hiện hành thì tiếp tục thực hiện; những nội dung nào không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành thì cần phải tuân thủ quy định pháp luật hiện hành.

Tin cùng chuyên mục