Ông Phùng Đức Dũng, Giám đốc Công ty CP Xây dựng hạ tầng giao thông thủy lợi Hà Nội
Hiện tại, Công ty đang triển khai một số dự án tại các tỉnh, thành Tây Nam Bộ như: Nâng cấp đê cửa sông Tả, Hữu Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng; Xây dựng kè Thới An Hội, Kế An, An Lạc Tây, trên địa bàn Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng; Xây dựng kè chống xói lở bờ sông Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre... Quá trình thực hiện các dự án này đang gặp khó khăn, chủ yếu xuất phát từ những vướng mắc liên quan đến nguồn cung vật liệu san lấp.
Trên thị trường, giá nguyên vật liệu vẫn chưa có dấu hiệu ổn định trở lại. Trong khi giá thép đã có dấu hiệu hạ nhiệt, thì giá cát lại cho thấy sự biến động lớn khi giá mua ở cùng kỳ năm trước khoảng 140.000 - 150.000 đồng/khối, giờ tăng lên 220.000 - 230.000 đồng/khối. Cùng với tình trạng tăng giá, nhà thầu xây dựng còn đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung ứng vật liệu san lấp. Do đặc thù địa hình, các dự án tại miền Tây chủ yếu sử dụng cát làm vật liệu đắp nền, trong khi số lượng mỏ do cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác trên địa bàn rất ít, không thể đáp ứng được nhu cầu của hàng loạt công trình hạ tầng đang cùng lúc được triển khai tại khu vực.
Về giải pháp tháo gỡ, theo tôi, địa phương nên cân nhắc đến phương án cấp phép lại các mỏ cát đã ngưng hoạt động; một số nơi có thể dùng cát sông gần cửa biển để thay thế, bổ sung nguồn. Ngoài ra, cũng có thể tính toán thay thế nguồn vật liệu lấp bằng cách sử dụng cấp phối sỏi đồi hoặc đá nghiền thay cho nguồn vật liệu truyền thống.
Việc tháo gỡ nguồn cung vật liệu vừa là “cứu cánh” kịp thời cho các nhà thầu xây dựng nói chung, vừa là giải pháp đẩy nhanh tiến độ một số đại dự án cao tốc ven biển được triển khai trong thời gian tới.