Bên mời thầu: Công ty TNHH Đầu tư xây dựng An Lập Thịnh
Chủ đầu tư: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận)
Nội dung kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Tiêu chí HSMT:
Tại Chương V Yêu cầu về kỹ thuật, HSMT yêu cầu:
Tivi: Công nghệ hình ảnh: HDR, UHD Dimming; Q-Symphony: có; Bluetooth Audio: có; Bluetooth: BT 5.2; Headphone ID x 1; Data 3.5mm (RJ12) x 1; chế độ DRM: có (công nghệ kiểm soát hoặc hạn chế cách truy cập và sử dụng nội dung, chế độ bảo mật); IP Control: có (chức năng kiểm soát và điều khiển TV qua IP (RJ45), bật tắt, tăng giảm âm lượng...); Eco Sensor: có (cảm biến ánh sáng để điều chỉnh độ sáng TV theo độ sáng môi trường bên ngoài); Tizen API (TEP); tính năng Multi-code IR: điều khiển từ xa giúp tách biệt tín hiệu điều khiển với các điều khiển của màn hình bên cạnh (cần thêm hỗ trợ bộ điều khiển phòng); cho phép kết nối không dây và phản chiếu màn hình, âm thanh từ thiết bị di động lên màn hình và ngược lại từ màn hình sang thiết bị di động; tính năng EPG: cung cấp thông tin về danh sách các kênh truyền hình, thông tin chi tiết và ngắn gọn về các chương trình trên hệ thống; thiết lập âm lượng khi bật tivi: có thể thiết lập mức âm lượng theo cách thủ công hoặc khi bật tivi, tivi sẽ chuyển về âm lượng đã được đặt ngay trước khi tắt nguồn; cho phép thiết lập trạng thái của tivi khi có điện lại sau khi mất điện đột ngột: trở về trạng thái nguồn gần nhất hoặc bật nguồn hoặc chuyển sang chế độ chờ; cho phép chỉnh sửa các kênh được lưu trữ trong bộ nhớ của tivi: thay đổi số và tên kênh, quản lý nhóm thể loại và ngôn ngữ, xóa kênh; cho phép thiết lập: bật hoặc tắt hiển thị menu chính, menu hình ảnh, menu hiển thị channel, bật hoặc tắt các hoạt động của nút bộ điều khiển tivi: Unlock, Lock (khóa các nút bộ điều khiển), khóa nút bộ điều khiển tivi trừ chức năng tắt nguồn; cho phép thiết lập tự động vào menu của USB khi USB được kết nối với tivi; cho phép sao chép các tùy chọn đã thiết lập trên tivi hiện tại vào USB và ngược lại sao chép các thiết lập cho tivi đã lưu trong USB vào Tivi (USB Cloning); tính năng Remote Management: cho phép tổng đài nhà sản sản xuất truy cập và khắc phục sự cố của tivi từ xa khi người dùng cần hỗ trợ; chế độ Virtual Standby: khi dây nguồn AC được cắm và nguồn điện bị tắt, chức năng này sẽ duy trì những tính năng quan trọng của TV kể cả sau khi màn hình đã tắt; giải pháp quản trị thiết bị và nội dung hợp nhất được tích hợp trong màn hình tivi; quản lý thiết bị tập trung từ phòng điều khiển tập trung (ban giám hiệu/hiệu trưởng, phòng quản trị giám sát tập trung...); phát nội dung từ xa: cho phép truyền tải các nội dung từ một nguồn tập trung tới tất cả các màn hình thông qua mạng nội bộ hoặc Internet. Giúp nhà trường triển khai, phổ biến nhanh các nội dung toàn trường hoặc hướng dẫn/thông báo khi có sự cố; chế độ bật nguồn: có (chọn chế độ khi mở tivi (cài đặt nguồn phát mặc định khi mở tivi); hỗ trợ phát các nội dung tuyên truyền hoặc nội dung đặc trưng của đơn vị sử dụng/trường học khi bật tivi; tiêu chuẩn áp dụng: ISO 50001:2018…
Kiến nghị/đề nghị làm rõ của nhà thầu:
Sau khi nghiên cứu yêu cầu kỹ thuật tại Chương V của E-HSMT đối với thiết bị Tivi thông minh 65 inch (42 bộ), Nhà thầu nhận thấy, cấu hình được đưa ra có nhiều đặc điểm trùng khớp với sản phẩm độc quyền của Samsung. Cụ thể, khi gửi yêu cầu báo giá kèm cấu hình theo HSMT tới hãng Samsung, Nhà thầu đã bị từ chối cung cấp giá, catalogue và tài liệu kỹ thuật. Samsung cho biết chỉ hỗ trợ báo giá cho một nhà thầu đã được đăng ký từ trước, và cho rằng nhà thầu này sẽ trúng thầu với mức giá cao.
Tương tự, khi liên hệ với các hãng sản xuất uy tín khác như Sony, LG… và cung cấp thông số kỹ thuật nêu trong HSMT, Nhà thầu đều nhận được phản hồi rằng: cấu hình yêu cầu mang tính chất đặc thù, chỉ tương thích với sản phẩm của Samsung, và các hãng khác không thể đáp ứng đầy đủ 100% các tiêu chí này.
Một số yêu cầu kỹ thuật cụ thể trong HSMT mang tính độc quyền như:
Công nghệ UHD Dimming: Đây là công nghệ hình ảnh riêng có của Samsung, không phổ biến trên các dòng sản phẩm khác. Trong khi đó, công nghệ HDR, HDR10 hoặc HDR10+ mới là các chuẩn chung phổ biến trên thị trường.
Tính năng Q-Symphony: Theo tìm hiểu, đây là tính năng liên kết giữa tivi và soundbar do Samsung phát triển. Tính ứng dụng của tính năng này trong giảng dạy chưa rõ ràng, đồng thời tài liệu tham khảo đều dẫn đến các trang chính thức của Samsung, gây khó khăn trong việc đánh giá tính tương thích của sản phẩm khác.
Eco Sensor: Là cảm biến tiết kiệm điện năng độc quyền của Samsung.
Tizen API (TEP): Nền tảng hệ điều hành Tizen và các API liên quan là độc quyền của Samsung, không áp dụng cho các sản phẩm sử dụng hệ điều hành Android TV, WebOS hoặc các nền tảng khác.
Ngoài ra, HSMT yêu cầu công nghệ kết nối Bluetooth nhưng không quy định rõ phiên bản. Hiện nay, phiên bản phổ biến trên thị trường là Bluetooth 5.0. Việc không chấp nhận các dòng Tivi sử dụng chuẩn Bluetooth phổ thông gây hạn chế sự tham gia của các nhà thầu sử dụng sản phẩm đến từ những thương hiệu khác.
Từ những phân tích nêu trên, Nhà thầu nhận thấy các yêu cầu kỹ thuật hiện tại trong HSMT đang có dấu hiệu cài cắm cấu hình nhằm định hướng cho một sản phẩm cụ thể, gây ra sự hạn chế về cạnh tranh.
Nhà thầu trích dẫn các căn cứ pháp lý:
Khoản 3 và 4 Điều 44 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 quy định rõ:
“Hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.”
“Trường hợp hồ sơ mời thầu có các nội dung vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này thì các nội dung này sẽ bị coi là vô hiệu...”.
Điểm a khoản 2 Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư số 22/2024/TT-BKHĐT cũng nêu rõ: “Khi xây dựng yêu cầu về kỹ thuật đưa ra các yêu cầu mà chỉ có một sản phẩm cụ thể của một hãng sản xuất cụ thể đáp ứng trong khi trên thị trường có nhiều hãng sản xuất có thể cung cấp hàng hóa thuộc gói thầu...”
Nhà thầu đề nghị Bên mời thầu và Chủ đầu tư xem xét loại bỏ hoặc điều chỉnh các tiêu chí mang tính độc quyền liên quan đến sản phẩm Samsung trong HSMT. Việc này nhằm đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh công bằng, minh bạch và tạo điều kiện cho nhiều nhà thầu có thể tham gia Gói thầu, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho ngân sách nhà nước.
Bình luận, phân tích của chuyên gia:
Theo một chuyên gia đấu thầu, đây là gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng, sẵn có với quy mô giá trị không lớn, nhưng phát sinh nhiều kiến nghị nên khâu lập HSMT cần được chấn chỉnh. Đặc biệt, khi nhà thầu đã chỉ rõ những tính năng, thông số có tính độc quyền, Chủ đầu tư/Bên mời thầu cần nghiêm túc rà soát để kịp thời điều chỉnh HSMT, tránh dẫn đến kiến nghị phức tạp, kéo dài.
Trả lời, giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Ngày 09/6/2025, sau khi xem xét nội dung kiến nghị của Nhà thầu, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng An Lập Thịnh (Bên mời thầu) trả lời Nhà thầu như sau:
Các tiêu chuẩn chất lượng và thông số kỹ thuật được nêu trong HSMT đã được xây dựng dựa trên cơ sở đề xuất từ đơn vị sử dụng và đã được thẩm định, phê duyệt bởi các cơ quan, đơn vị có chức năng và thẩm quyền theo đúng quy định hiện hành. Bên mời thầu khẳng định rằng, nhà thầu có thể đề xuất, chào hàng sản phẩm của bất kỳ thương hiệu nào, với điều kiện đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc tính kỹ thuật và tính năng sử dụng tương đương hoặc vượt trội hơn so với các tiêu chí đã nêu trong HSMT.
Kết quả giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Các nội dung đã phát hành của HSMT giữ nguyên.
Theo Biên bản mở thầu ngày 11/6/2025, Gói thầu có tổng cộng 4 nhà thầu nộp HSDT, cụ thể như sau: Công ty TNHH Sản xuất thương mại Tiến Đạt có giá dự thầu 5,142 tỷ đồng; Liên danh Gói thầu số 03 chào giá 6,098 tỷ đồng; Liên danh Gói thầu thiết bị Đức Linh TH&THCS chào giá 6,168 tỷ đồng; Công ty TNHH Nguyên Luân chào giá 6,345 tỷ đồng.