UBND TP. Hà Nội đề xuất 22 dự án triển khai đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 và hoàn thành sau năm 2025. Ảnh minh họa: Tiên Giang |
UBND TP. Hà Nội cho biết, danh mục công trình trọng điểm của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020 gồm 55 công trình, trong đó 31 dự án đầu tư hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước và ODA, 22 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và 2 dự án xã hội hóa (XHH).
Về tiến độ được phê duyệt, 33 dự án hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020; 22 dự án hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện đầu tư và hoàn thành sau năm 2020.
Kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã giao cho các dự án là 31.672 tỷ đồng, giải ngân được 25.413 tỷ đồng, đạt 80,2% kế hoạch. Kế hoạch vốn năm 2021 giao 10.156,37 tỷ đồng, đến hết tháng 11/2021 giải ngân được 3.351,093 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch.
Có 11 dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước thuộc Danh mục 2016 - 2020 hoàn thành theo mục tiêu ban đầu đề ra. UBND TP. Hà Nội đề xuất tiếp tục đưa vào Danh mục công trình trọng điểm của Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 đối với 17 dự án thuộc Danh mục 2016 - 2020 và hoàn thành trong giai đoạn này.
Báo cáo Hội đồng nhân dân, UBND TP. Hà Nội cho biết, nguyên tắc đưa các dự án vào Danh mục công trình trọng điểm của Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 là dự án tiêu biểu có ý nghĩa lớn với Thủ đô, thuộc lĩnh vực quan trọng có tính chất lan tỏa, thúc đẩy kinh tế - xã hội và có tính khả thi cao.
Theo đó, UBND TP. Hà Nội đề xuất Danh mục công trình trọng điểm của TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 gồm 39 dự án, thuộc 10 lĩnh vực. Ngoài 17 dự án được chuyển tiếp từ giai đoạn trước sẽ hoàn thành trong giai đoạn này, có 22 dự án triển khai đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 và hoàn thành sau năm 2025.
Trong số 22 dự án triển khai đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, có rất nhiều dự án lớn. Lớn nhất là Dự án Xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô với tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỷ đồng, kết hợp đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước và đầu tư theo phương thức PPP. Tuyến đường dài 111,2 km qua Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín, tiến độ thực hiện từ năm 2022 - 2028. Tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) cũng là siêu dự án được đề xuất đưa vào Danh mục với tổng mức đầu tư dự kiến 65.000 tỷ đồng, đầu tư băng vốn ngân sách nhà nước, tiến độ thực hiện từ năm 2021 - 2026.
Trong lĩnh vực giao thông còn nhiều đại dự án sẽ triển khai trong giai đoạn này như Dự án Cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (đi qua quận Tây Hồ, huyện Đông Anh) 19.500 tỷ đồng và Dự án Cầu Trần Hưng Đạo 8.400 tỷ đồng, dự kiến đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước và PPP.
Văn hóa, công nghệ cũng là lĩnh vực có nhiều siêu dự án được đề xuất đưa vào Danh mục công trình trọng điểm 2021 - 2025. Có thể kể đến Dự án Thành phố thông minh, hạng mục Tháp tài chính hỗn hợp đa năng (tại Đông Anh) với tổng mức đầu tư dự kiến 23 nghìn tỷ đồng. Dự án thực hiện trong thời gian 2023 - 2028, diện tích 122.279 m2, 108 tầng. Nguồn vốn thực hiện Dự án dự kiến từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và XHH.
Nhiều dự án văn hóa, công nghệ khác đề xuất trong Danh mục cũng dự kiến kêu gọi XHH. Đó là Dự án Nhà hát Opera và Khu văn hóa đa năng Quảng An, tiến độ triển khai 2022 - 2027, tổng mức đầu tư dự kiến 11.996 tỷ đồng; Dự án Xây dựng hạ tầng Khu công viên phần mềm tại Đông Anh, tiến độ thực hiện 2022 - 2026, tổng mức đầu tư 7.873 tỷ đồng; Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia (Đông Anh) 7.366 tỷ đồng, Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi, giải trí Kim Quy (Đông Anh) 4.968 tỷ đồng.
Cho ý kiến về đề xuất của UBND TP. Hà Nội, Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND TP. Hà Nội thống nhất và đề nghị UBND Thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các dự án, công trình trọng điểm này trên tinh thần quyết tâm, quyết liệt cao nhất, chủ động xác định các giải pháp, biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ và tuân thủ quy định pháp luật.